Liệu chỉ số khối cơ thể (BMI) và hội chứng chuyển hóa (MetS) có liên quan đến sự đứt gãy DNA tinh trùng ở nam giới ở các trường hợp vô sinh

Nguồn:       Nội dung: HueCREI       Lượt đọc: 744

Các nghiên cứu gần đây đề cập đến sự ảnh hưởng của tính toàn vẹn DNA tinh trùng đến khả năng sinh sản. Mức độ phân mảnh DNA tinh trùng ở nam giới của cặp vợ chồng vô sinh thường tăng cao, không phụ thuộc các thông số tinh dịch đồ. Tỷ lệ đứt gãy DNA tinh trùng cao có thể có liên quan đến chậm mang thai tự nhiên.

Một số yếu tố bên trong, bên ngoài hay sau tinh hoàn ở nam giới có mối tương quan với sự gia tăng mức độ tổn thương DNA tinh trùng, như bệnh đái tháo đường, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tổn thương tủy sống, ung thư và hóa trị, nhiễm trùng, tuổi tác, lối sống và nhiệt độ cao. Ảnh hưởng của hội chứng chuyển hóa (Metabolic Syndrome - MetS) lên chất lượng tinh trùng, đặc biệt là đối với tính toàn vẹn DNA tinh trùng vẫn chưa rõ ràng.

            MetS là một tình trạng phổ biến, đặc trưng bởi nhóm các rối loạn toàn thân bao gồm: tăng vòng bụng, giảm HDL-Cholesterol, tăng huyết áp và tăng glucose máu đói. MetS có thể ảnh hưởng đến các thông số tinh dịch đồ ở nam giới và gây giảm nồng độ testosterone. Béo phì và thừa cân có thể dẫn đến suy sinh dục, suy giảm quá trình sinh tinh, tăng nhiệt độ bìu và gây tổn thương DNA tinh trùng. Hơn nữa, rối loạn lipid máu có thể làm tăng stress oxy hóa trong vi môi trường tinh hoàn và hệ thống ống dẫn tinh, điều này làm giảm khả năng sinh sản của nam giới. Do đó cần có các nghiên cứu sâu hơn để làm sáng tỏ mối liên hệ giữa hội chứng chuyển hóa và vô sinh nam.

Để khảo sát ảnh hưởng của chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) và hội chứng chuyển hóa (MetS) đến sự phân mảnh DNA tinh trùng ở nam giới của cặp vợ chồng vô sinh, nghiên cứu của Trung tâm Nội tiết sinh sản và Vô sinh, Bệnh viện trường Đại học Y - Dược Huế (HueCREI) đã tiến hành phân tích và ghi nhận: với độ tuổi trung bình 35,26 ± 5,87, chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng cũng có mối liên quan có ý nghĩa với tình trạng thừa cân (p = 0,024). Nam giới không mắc MetS có tỷ lệ quầng halo lớn cao hơn và tỷ lệ quầng nhỏ, không quầng cũng như tinh trùng bị thoái hóa thấp hơn so với nam giới có MetS, nhưng sự khác biệt lại không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Tiến hành phân tích đa biến, nghiên cứu ghi nhận có sự khác biệt có ý nghĩa về phân mảnh DNA tinh trùng (SDF) giữa 2 nhóm thừa cân và nhóm bình thường.

            Như vậy, nam giới ở cặp vợ chồng vô sinh, ở độ tuổi trung bình tương đối trẻ, BMI có thể là một chỉ số độc lập liên quan đến sự gia tăng phân mảnh DNA tinh trùng. MetS cũng đóng vai trò quan trọng đối với đứt gãy DNA tinh trùng, thường xảy ra ở những người thừa cân. Do đó, cần lưu ý MetS để phát hiện sớm hơn về sự gia tăng đứt gãy DNA tinh trùng.

            Citation: Minh Tam Le, Dac Nguyen Nguyen, Dinh Duong Le, Nhu Quynh Thi Tran. Impact of Body Mass Index and Metabolic Syndrome on Sperm DNA Fragmentation in Males from Infertile Couples: a Cross- Sectional Study from VietnamMetabolism Open 7 (2020) 100054https://doi.org/10.1016/j.metop.2020.100054


CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ





TRUNG TÂM NỘI TIẾT SINH SẢN VÀ VÔ SINH

Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế
41 Nguyễn Huệ, TP Huế, Việt nam
0234.626.9696
0989.228.779
yhocsinhsan.hue@gmail.com

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI