Dậy thì được xem là dấu mốc phát triển quan trọng trong cuộc đời mỗi trẻ, được đặc trưng bởi những thay đổi về thể chất, tâm lý và nhất là tính dục để trở thành cơ thể trưởng thành có khả năng sinh sản. Dậy thì ở nam và nữ tuy có sự khác biệt về thời điểm, đặc điểm cơ thể, suy nghĩ nhưng lại chịu tác động của nhiều yếu tố như bệnh lý, di truyền, môi trường, dinh dưỡng,… Các yếu tố này có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp để ảnh hưởng đến quá trình dậy thì. Bất kì sự thay đổi nào trong các tác động kể trên đều có thể gây rối loạn quá trình dậy thì, trong đó thường gặp là dậy thì sớm.
BỆNH LÝ
Bệnh lý liên quan đến nội tiết
Trong quá trình dậy thì, các tuyến nội tiết sản xuất ra các hormone gây ra những thay đổi dễ nhận thấy, giúp hoàn thiện chức năng sinh dục của mỗi người cũng như điều hoà hoạt động của cơ thể thông qua tác động đến mỗi tế bào. Do đó, sự rối loạn nội tiết sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dậy thì ở trẻ. Một số bệnh lý liên quan đến nội tiết thường gặp sẽ được đề cập dưới đây.
Tăng sản thượng thận bẩm sinh (Congenital adrenal hyperplasia - CAH)
Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH) là bệnh lý di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, gây rối loạn tổng hợp hormone vỏ thượng thận, tác động lên sự phát triển cơ quan sinh dục hoặc quá trình dậy thì sớm của trẻ. Có khoảng 50 steroids được chiết xuất từ vỏ thượng thận, nhưng chỉ có 10 chất có hoạt tính hormone được chia làm 3 nhóm chính:
- Hormone chuyển hóa đường (Glucocorticoid): gồm cortisol, cortison và corticosterone. Các hormone này 21 carbon và có oxy ở C11 nên còn gọi là 11- oxysteroid.
- Hormone chuyển hóa muối nước (Mineralocorticoid): gồm aldosteron, 11-desoxycorticosterone (DOC). Các hormone này có 21 carbon, được bài tiết từ lớp cầu của vỏ thượng thận.
- Hormone sinh dục vỏ thượng thận: gồm dehydroepiandrogen (DHEA) androstendion, 17 cetoandrostendion (androstentrion) và 11 β-hydroxyandrostendion. Nhóm này có 19 carbon.
Theo phân loại của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, tăng sản thượng thận bẩm sinh được chia thành hai dạng chính là cơ bản và không cơ bản. Trong đó tăng sản thượng thận bẩm sinh cơ bản là dạng phổ biến hơn, được phân làm hai nhóm nhỏ là thể mất muối thường gây ra những cơn suy thượng thận cấp ở trẻ sơ sinh và thể nam hóa đơn thuần khiến bé trai dậy thì sớm còn bé gái có cơ quan sinh dục ngoài bất thường hoặc phát triển theo hướng nam, dẫn đến phát triển lệch giới. Tăng sản thượng thận bẩm sinh hiện là một trong những bệnh lý cần được sàng lọc sơ sinh sớm ngay khi trẻ vừa chào đời để đảm bảo sức khoẻ trong quá trình phát triển và dậy thì của trẻ. Tỷ lệ mắc của bệnh này tại các nước châu Âu hiện là 1/10.000 - 1/15.000 và có thể cao hơn ở một số khu vực khác.
Tăng sản thượng thận bẩm sinh có triệu chứng rất đa dạng, không đặc trưng do phụ thuộc vào mức độ thiếu enzyme 21-hydroxylase và gen khiếm khuyết. Với trẻ bị tăng sản thượng thận bẩm sinh cơ bản, cơ thể thai nhi sẽ sản xuất ra lượng hormone androgen nhiều hơn bình thường trước khi trẻ ra đời. Androgen là hormone sinh dục có vai trò kích thích sự phát triển tuyến sinh dục của nam giới và ở giai đoạn sau của cuộc đời, chúng kích thích quá trình tăng trưởng và dậy thì. Nữ giới cũng có hormone androgen nhưng không nhiều như nam giới. Tuy nhiên việc sản xuất quá mức androgen sẽ gây ra những bất thường về cấu tạo giải phẫu cơ thể ở cả nam và nữ. Do đó, trẻ mắc bệnh này sẽ có những đặc tính nam xuất hiện sớm và trội. Về mặt hình thể, các bé lúc sinh ra có thể có các bất thường bộ phận sinh dục ngoài. Cụ thể các bé gái thường có bất thường cơ quan sinh dục ngoài như âm vật to trong khi bé trai thường không có dấu hiệu gì. Một số ít bé trai đôi khi có sự tăng sắc tố da, dương vật lớn. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp ở trẻ mắc bệnh này như: mất nước; sụt cân, chậm tăng cân; hay nôn ói; dậy thì sớm và phát triển nhanh hơn trẻ khác nhưng kết thúc sớm, trẻ lùn hơn các trẻ khác khi trưởng thành; bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Dựa vào sự thiếu một phần hay hoàn toàn hoạt độ enzyme 21-hydroxylase, bệnh lý tăng sản thượng thận bẩm sinh được chia làm 2 thể: thể cổ điển và thể không cổ điển. Thể cổ điển bao gồm 2 thể: thể mất muối (thiếu hụt hoàn toàn enzyme 21-hydroxylase, chiếm 75%) và thể nam hóa đơn thuần (hoạt độ enzyme 21-hydroxylase còn 1-3% so với bình thường). Ở thể mất muối, trẻ có thể giảm natri, tăng kali máu, nôn, mất nước tùy mức độ, giảm thể tích tuần hoàn, giảm huyết áp, chậm tăng cân, thường xuất hiện trong vòng 2 tuần đầu sau sinh. Hạ đường máu có thể gặp trong nhiều trường hợp nhưng không phải tất cả. Thể nam hóa đơn thuần có biểu hiện nam hóa chuyển giới ở trẻ gái tùy mức độ nặng nhẹ như: phì đại âm vật, hai môi lớn dính nhau, ở trẻ trai bộ phận sinh dục ngoài bình thường khi sinh, biểu hiện dậy thì sớm thường xuất hiện sau 2 tuổi.
Về xét nghiệm cận lâm sàng, tăng nồng độ 17-OH progesterone (17-OHP) là xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán đoán tăng sản thượng thận bẩm sinh, đồng thời tăng androstenedione, tăng DHEA; giảm deoxycorticoterone, 11-deoxycortisol, corticosteorone, aldosterone; tăng 17-ketosteroids và pregnanetriol là các chất chuyển hóa trung gian qua nước tiểu, tăng hoạt độ renin và ACTH là những điều cần lưu ý. Đối với các trường hợp kết quả xét nghiệm không có sự thay đổi rõ rệt nhưng có dấu hiệu nghi ngờ, có thể tiến hành phân tích đột biến gen CYP21A2 từ tế bào gai nhau hoặc nước ối trong quá trình sàng lọc và chẩn đoán trước sinh.
Thể không cổ điển có tỷ lệ mắc khá cao, tới 1/1.000 với triệu chứng lâm sàng không mất muối và không bất thường về sự phát triển của cơ quan sinh dục. Trẻ trai có thể có các biểu hiện như: xạm da, phát triển sớm các đặc tính sinh dục thứ phát như dương vật to, lông mu xuất hiện sớm, thể tích tinh hoàn nhỏ tương ứng độ tuổi. Trẻ gái có thể rậm lông, âm vật phì đại hay rối loạn chức năng buồng trứng sau dậy thì. Ở thể này, xét nghiệm 17-OHP tăng rõ ràng sau 60 phút kích thích bằng ACTH.
Trong giai đoạn cấp tính, điều trị chủ yếu dựa trên mức độ nặng của triệu chứng như bù dịch đường truyền hoặc đường uống, điều trị hạ đường máu, hạ natri máu và bổ sung sự thiếu hụt hydrocortisone đường tĩnh mạch. Điều trị tăng kali máu được đặt ra khi có bất thường trên điện tâm đồ. Tuy nhiên, sau đó, trẻ vẫn cần được điều trị duy trì bằng liệu pháp hydrocortisone thay thế và liệu pháp mineralocorticoid thay thế với thể mất muối, đi kèm với theo dõi sự phát triển về thể chất toàn thân và đặc tính sinh dục, cả lâm sàng như chiều cao, cân nặng, huyết áp, xạm da, hội chứng Cushing và các đặc điểm sinh dục như dấu hiệu dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt và thể tích tinh hoàn và thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng.
Hội chứng McCune-Albright (MAC)
Hội chứng McCune Albright là một rối loạn ảnh hưởng đến xương, da và các tuyến nội tiết; đặc trưng bởi các biểu hiện như chứng loạn sản xơ đa xương, thay thế các mô xương bình thường; mảng sắc tố da bất thường màu nâu nhạt như cà phê sữa và dậy thì sớm ở bé gái.
Nguyên nhân của hội chứng McCune Albright được xác định là do đột biến gen GNAS1 mã hóa một phần phức hợp protein G gây ra. Phức hợp này có vai trò kích thích hoạt động của enzyme adenylate cyclase (cAMP), làm tăng cường chức năng của các tế bào tại nhiều cơ quan như da, xương, các tuyến nội tiết. Số lượng và vị trí các tế bào có gen GNAS đột biến sẽ quyết định mức độ biểu hiện nặng nhẹ của bệnh. Đột biến gen này xảy ra ngẫu nhiên sau khi thụ tinh do tác động của các yếu tố môi trường, vì thế không có tính di truyền từ bố mẹ sang con cái.
Đồng thời, đột biến không xảy ra đồng thời trên tất cả các tế bào, khi đột biến trên tế bào mô buồng trứng, nó dẫn đến việc mất kiểm soát sản xuất estrogen không phụ thuộc gonadotropin. Hậu quả là có thể gây ra các rối loạn về sinh dục như: dậy thì sớm ở cả hai giới, trong đó thường gặp hơn ở các bé gái với tỷ lệ lên đến 85%, phát triển sớm các đặc điểm vú, lông mu, lông nách, xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sớm hơn 2 năm (triệu chứng thường gặp), hay xuất huyết tử cung bất thường, u nang buồng trứng và rối loạn chức năng phóng noãn ở phụ nữ giai đoạn trưởng thành. Trên xét nghiệm, nồng độ estrogen máu người bị bệnh tăng cao hơn so với mức bình thường.
Biểu hiện trên xương cho thấy xương bị biến dạng, do mô xương bình thường bị thay thế vởi mô xơ làm cho xương phát triển không đều, biến dạng xương và xương dễ gãy. Các xương bị thương tổn hay gặp là xương sườn, xương sọ, xương mặt, đặc biệt là xương hàm, xương chậu, đầu trên xương đùi, đầu trên xương chày. Bệnh nhân thường bị thấp bé do đầu xương cốt hóa sớm. Các triệu chứng chèn ép thần kinh, mạch máu có thể xuất hiện khi tổn thương xương sọ mặt. Loạn sản xương thái dương có thể gây ra giảm thính lực và bít tắc ống tai ngoài, mất đối xứng mặt, mắt lồi. Một số rối loạn nội tiết khác có thể gặp như cường giáp (nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, giảm cân, run, đổ nhiều mồ hôi,…), sản xuất quá mức hormone tăng trưởng từ tuyến yên dẫn tới to đầu chi, hội chứng Cushing, viêm khớp.
Ngoài các triệu chứng lâm sàng đa cơ quan, chẩn đoán có thể dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng. Chụp phim Xquang quan sát thấy các khối u tuyến yên hoặc tuyến giáp hay tổn thương xương, xét nghiệm cortisol tuyến thượng thận tăng, hormone tăng trưởng tăng, chụp MRI có thể phát hiện các khối u vùng sọ, đặc biệt, xét nghiệm di truyền cho thấy có đột biến gen GNAS1.
Hội chứng McCune-Albright hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, nguyên tắc tập trung chủ yếu vào điều trị triệu chứng tùy mức độ nặng nhẹ. Tuy vậy khi có các khối u kích thước lớn gây chèn ép, phương pháp phẫu thuật loại bỏ kèm theo liệu pháp hormone thay thế có thể được đặt ra.
Bất thường bẩm sinh đường sinh dục
Bất thường bẩm sinh đường sinh dục hay còn gọi là bất thường ống Müller là khái niệm được sử dụng để tập hợp một số bất thường cụ thể về cấu trúc phát triển trong thời kỳ phôi thai của tử cung, cổ tử cung, vòi tử cung hoặc âm đạo. Những bất thường này thường có một số biểu hiện lâm sàng như vô kinh nguyên phát, vô sinh, sẩy thai liên tiếp hoặc sinh non. Đồng thời một số rối loạn cụ thể cũng ảnh hưởng đến quá trình dậy thì ở trẻ.
Rối loạn phát triển tuyến sinh dục XY
Rối loạn phát triển tuyến sinh dục XY - Hội chứng Swyer thường xảy ra khi có đột biến gen SRY. Khi tồn tại khiếm khuyết này, tuyến sinh dục không phân biệt được tinh hoàn, không sản xuất được testosterone và AMH. Do đó, sự phát triển bộ phận sinh dục ngoài ở ống Müller người nữ không bị ức chế (không có AMH) và sự hình thành các cơ quan bên trong vẫn xảy ra bình thường. Tuy nhiên các tuyến sinh dục không có chức năng bình thường. Những trường hợp này trẻ thường có hình dáng bên ngoài là nữ nhưng các tuyến sinh dục lại không có chức năng. Do đó, trẻ gái thường dậy thì muộn, không có kinh nguyệt và khiếm khuyết sự phát triển của các đặc tính sinh dục thứ cấp như phát triển vú. Tuy nhiên tuyến thượng thận của những trẻ này không bị ảnh hưởng nên vẫn sản xuất androgen, giúp phát triển lông mu và lông nách.
Rối loạn phát triển sinh dục XX
Biểu hiện của hội chứng này là dù trẻ có vẻ bề ngoài của nữ nhưng buồng trứng không thể sản xuất estrogen và androgen bình thường. Do đó, hầu hết các đặc điểm sinh dục thứ phát không phát triển, dẫn đến dậy thì muộn. Một số đặc điểm của quá trình dậy thì như lông mu thưa xuất hiện thứ phát là nhờ androgen tuyến thượng thận. Những người này không biểu hiện kiểu hình của hội chứng Turner.
Điều trị cho các bất thường bẩm sinh đường sinh dục có thể được đặt ra là phẫu thuật định hình tuyến sinh dục và liệu pháp hormone thay thế. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào sự mong muốn của từng cá thể và tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh lý.
DI TRUYỀN
Di truyền là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến thời điểm dậy thì ở hai giới. Một nghiên cứu tại Đại học Copenhagen Đan Mạch vào năm 2013 chỉ ra rằng các bé trai và bé gái có thể dậy thì sớm nếu bố mẹ chúng cũng từng như vậy. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thời gian dậy thì của 672 bé gái, 864 bé trai và liên kết với thời gian dậy thì của bố mẹ, kết quả cho thấy ở nhóm có bố dậy thì sớm, bé trai có xu hướng phát triển lông mu sớm gần một năm và tinh hoàn sớm hơn 9 tháng, trong khi các bé gái bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt sớm hơn 10 tháng so với nhóm có bố dậy thì muộn. Tương tự với nhóm có mẹ dậy thì sớm, thời điểm bé gái bắt đầu hành kinh thường sớm hơn 10 tháng và bé trai thường phát triển bộ phận sinh dục trước 6 tháng rưỡi. Ngoài ra tác giả còn nhận định so với di truyền, các yếu tố môi trường như chế độ ăn uống, dinh dưỡng và hóa chất có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình dậy thì sớm ở trẻ.
Trong một thập kỷ qua, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu như nghiên cứu tương quan toàn bộ nhiễm sắc thể, phân tích đột biến gen, giải trình tự toàn bộ exome, giải trình tự toàn bộ gen,…để xác định ảnh hưởng của các gen đến thời điểm dậy thì bình thường, sớm hoặc muộn ở trẻ (1). Người ta nhận thấy các bất thường di truyền thường liên quan đến con đường kích thích và ức chế sự bài tiết các hormone ở vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục nhất là ở các trường hợp dậy thì sớm trung ương. Cụ thể, hệ thống KISS1/KISS1R mã hoá một số kisspeptin, là các phối tử liên kết với thụ thể GPR54 (thụ thể liên kết với protein G). Kisspeptin có vai trò kích thích giải phóng GnRH từ vùng dưới đồi để tăng sự bài tiết gonadotropins từ tuyến yên (2). Do vậy khi các gen mã hoá kisspetin mang đột biến sẽ dẫn đến sự thay đổi thời điểm dậy thì ở trẻ. Năm 2008, người ta phát hiện một đột biến dị hợp tử hiếm gặp trong KISS1R ở một bé gái Brazil dậy thì sớm trung ương; đột biến này dẫn đến tín hiệu nội bào kéo dài sau khi liên kết kisspeptin.
Theo một báo cáo tổng quan, vào năm 2013, đột biến MKRN3 được xem là nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm trung ương ở cả bé trai và bé gái. Nghiên cứu đã phân tích bộ gen của các thành viên trong nhiều gia đình và phát hiện đột biến gen MKRN3 xuất hiện ở các nhóm dân tộc khác nhau tại Mỹ, Brazil, Israel, Hàn Quốc, Đài Loan và tám quốc gia châu Âu với tỉ lệ 33-46%. MKRN3 là một gen in dấu của mẹ; nghĩa là, chỉ có alen bố được biểu hiện. Do đó trong tất cả các trường hợp trên, chỉ những cá nhân thừa hưởng đột biến MKRN3 từ bố mới dậy thì sớm. Năm 2017, một đột biến gen in dấu của mẹ khác, DLK1, được xác định là nguyên nhân của quá trình dậy thì sớm của một số thành viên trong bốn gia đình được khảo sát, thông qua phân tích các liên kết và giải trình tự toàn bộ gen. Hai gen MKRN3 và DLK1 đều nằm trong vùng nhiễm sắc thể có liên quan đến hội chứng di truyền như Prader-Willi (nhiễm sắc thể 15), là nguyên nhân chính của bệnh béo phì, ảnh hưởng đến thời điểm dậy trì sớm ở trẻ (3).
DINH DƯỠNG VÀ VẬN ĐỘNG
Bên cạnh yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống đóng vai trò quan trọng vào thời điểm bắt đầu dậy thì. Việc nạp quá nhiều calo trong thời gian dài sẽ tích tụ chất béo trong cơ thể, làm tăng nồng độ leptin, từ đó truyền tín hiệu đến não thúc đẩy quá trình dậy thì. Năm 2020, Nguyen NTK và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá mối tương quan giữa lượng dinh dưỡng các bé gái khoẻ mạnh hấp thụ trong thời thơ ấu và nguy cơ bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt sớm. Kết quả cho thấy khi bổ sung quá 1g protein động vật trong một ngày, chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của các bé gái có xu hướng xuất hiện sớm hơn 2 tháng. Điều này cũng tương tự khi ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt và acid béo không bão hoà đa (PUFA). Ngược lại, tiêu thụ nhiều các sản phẩm giàu chất xơ và acid béo không bão hoà đơn (MUFA) có liên quan đến việc trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện sớm (4). Một nghiên cứu năm 2012 đã đề cập đến cân nặng của trẻ sơ sinh có thể liên quan gián tiếp với dấu hiệu dậy thì sớm. Nhóm tác giả sử dụng cân nặng của trẻ sau sinh để đại diện cho lượng dinh dưỡng trẻ nhận được trong tử cung người mẹ và nhận thấy sự suy dinh dưỡng trong bào thai sẽ ảnh hưởng đến các quá trình biệt hoá cơ quan, trao đổi chất và chuyển hoá bao gồm việc hình thành vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục, là nơi kích hoạt các hormone cần thiết cho thời gian dậy thì từ đó ảnh hưởng đến thời điểm bắt đầu dậy thì (5).
Một yếu tố khác rất đáng được quan tâm khi trẻ em đang bước vào tuổi dậy thì chính là béo phì. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy những bé gái thừa cân, béo phì có xu hướng dậy thì sớm hơn những bé gái nhẹ cân, biếng ăn cùng trang lứa. Trong hơn một thập kỷ gần đây, dậy thì sớm đã trở thành vấn đề đáng báo động trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Có thể thấy vào năm 1965, chỉ 5% trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 tuổi béo phì dậy thì sớm nhưng đến năm 2000, tỷ lệ này đã lên tới 12%. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học cũng chứng minh béo phì không có mối liên hệ nhân quả với dậy thì sớm mà chỉ là một yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ, nhất là ở bé gái. Đối với trẻ béo phì, cơ thể thường tích tụ một lượng dư thừa các chất béo, là nguồn cung cấp dồi dào hormone leptin, có vai trò quan trọng trong điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người. Khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu, do đó những bé gái thừa cân, béo phì, có nồng độ leptin cao thường sẽ dậy thì sớm hơn. Ngoài ra việc người mẹ tăng cân nhanh trong thai kỳ có liên quan đến khả năng con mặc béo phì và có thể tăng nguy cơ dậy thì sớm (6).
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, vận động cường độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển trong giai đoạn dậy thì. Tình trạng dậy thì muộn khá phổ biến ở các vận động viên điền kinh và thể dục dụng cụ chuyên nghiệp được đào tạo từ nhỏ với chế độ tập luyện và ăn uống nghiêm khắc để duy trì trọng lượng cơ thể tiêu chuẩn. Những người này thường có mức glucocorticoid cao do sự kích hoạt mãn tính vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng, dẫn đến ức chế bài tiết hormone tăng trưởng GH, và sự phát triển xương ở trẻ (5).
Tóm lại, để đảm bảo cho sức khoẻ của trẻ, nhất là giai đoạn trước và trong quá trình dậy thì, các bậc cha mẹ nên cung cấp cho con trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Các loại thức ăn nhanh, đồ hộp chế biến sẵn hay thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng muối cao hay các đồ uống có ga, có cồn cũng cần được kiểm soát. Điều này giúp hạn chế sự tác động của tình trạng thừa cân, béo phì đến thời gian dậy thì sớm của trẻ. Các hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi cũng nên được khuyến khích và rèn luyện ở trẻ từ sớm để xây dựng một lối sống lành mạnh, đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần cho trẻ ở mọi lứa tuổi.
MÔI TRƯỜNG SỐNG VÀ CÁC YẾU TỐ XUNG QUANH
Trong các nghiên cứu về dậy thì ở trẻ, thời điểm bắt đầu dậy thì có sự khác nhau giữa trẻ sinh sống ở các vùng địa lý và môi trường sống đặc trưng. Trong đó trẻ em sống ở thành phố, khu đô thị; gần đường xích đạo và ở độ cao thấp hơn mực nước biển thường bắt đầu dậy thì sớm hơn nhóm trẻ sống ở vùng nông thôn, xa đường xích đạo và ở độ cao cao hơn mực nước biển.
Rihlat và cộng sự đã thực hiện một so sánh giữa những người phụ nữ gốc Nam Phi trong độ tuổi từ 18 đến 23 vào năm 2018 để xem tác động của yếu tố nơi ở đến thời điểm dậy thì. 482 người trong số đó sống ở thành thị và 509 người sống ở nông thôn. Sau thi thu thập các thông tin về thời gian dậy thì, tiền sử sản khoa, đặc điểm nhân khẩu xã hội và kinh tế, kết quả cho thấy phụ nữ Nam Phi ở thành thị có độ tuổi dậy thì trung bình là 12,7 tuổi, sớm hơn gần 2 năm so với nhóm sống ở nông thôn. Nhóm tác giả cũng báo cáo sau 20 năm kể từ nghiên cứu tương tự vào năm 1988, độ tuổi dậy thì ở phụ nữ thành thị ngày càng giảm (13,2 so với 12,7) trong khi nhóm ở nông thôn không có sự chênh lệch nhiều (7). Có thể thấy, trong điều kiện sinh sống ở thành phố, bên cạnh những điểm thuận lợi như điều kiện sống tiện nghi, nguồn thức ăn đầy đủ phong phú, các hoạt động vui chơi giải trí đang dạng, trẻ cũng dễ gặp các vấn đề như ô nhiễm, sự công nghiệp hoá hay các hoá chất tồn tại tiềm ẩn trong các sản phẩm sử dụng hằng ngày đều có thể là những yếu tố tác động đến thể chất, tâm sinh lý cũng như quá trình dậy thì sớm của trẻ. Điều này ít gặp hơn so với nhóm trẻ đồng trang lứa nhưng sinh sống ở nông thôn.
Những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu sâu về ảnh hưởng của hoá chất trong các nhu yếu phẩm hằng ngày lên hiện tượng dậy thì sớm ở các bé gái. Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Human Reproduction, các hóa chất như phthalates, paraben và phenol và triclosan có liên quan đến dậy thì sớm ở bé gái và không có mối tương quan nào ở bé trai. Phthalate thường có trong các sản phẩm có mùi thơm như nước hoa, chất khử mùi, xà phòng, dầu gội đầu, sơn móng tay và mỹ phẩm; paraben thường được sử dụng làm chất bảo quản trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác còn phenol được dùng trong sản xuất xà phòng, kem đánh răng, son môi, keo xịt tóc và kem dưỡng da để tăng độ bền của sản phẩm. Đây là những hợp chất gây rối loạn nội tiết, do đó khi vào cơ thể có thể làm thay đổi nồng độ các hormone.
Một nghiên cứu tại Mỹ ở 338 trẻ em từ sơ sinh đến trưởng thành cho thấy, các bé gái khi còn là bào thai bị phơi nhiễm với hoá chất trong mỹ phẩm thường dậy thì sớm hơn so với các bạn không tiếp xúc. Mẫu nước tiểu của người mẹ trong thời gian mang thai và của bé gái tại thời điểm 9 tuổi được thu thập để xét nghiệm. Sau đó, bé gái sẽ được đánh giá các dấu hiệu của dậy thì mỗi 9 tháng từ lúc 9 tuổi đến khi 13 tuổi. Trên 90% mẫu nước tiểu của trẻ cho thấy sự hiện diện của các hoá chất có thể làm thay đổi hormone, ngoại trừ triclosan chỉ được tìm thấy ở 73% mẫu nước tiểu của người mẹ lúc mang thai và 69% mẫu nước tiểu của trẻ. Người ta nhận thấy khi nồng độ phthalate tăng gấp đôi trong nước tiểu của mẹ thì con gái sẽ phát triển lông mu sớm 1,3 tháng. Nồng độ triclosan tăng gấp đôi trong nước tiểu mẹ thì con gái hành kinh sớm hơn 1 tháng. 50% bé gái trong nghiên cứu mọc lông mu khi mới 9,2 tuổi và sau đó hành kinh ở 10,3 tuổi. Thời gian dậy thì của bé trai có vẻ không bị ảnh hưởng bởi sự tiếp xúc này (8).
Ngoài ra hiện nay có nhiều bố mẹ vô tư để các bé tiếp xúc với đồ trang điểm từ rất sớm mà không cảnh giác về tác hại của chúng. Trang điểm ở độ tuổi còn quá nhỏ giống như một loại "thuốc" kích thích khiến tâm lý của bé dậy thì sớm, từ đó kéo theo sinh lý thay đổi và có thể sinh ra phát triển giới tính sớm. Trẻ dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều chỉnh sẽ mất cơ hội phát triển chiều cao lúc trưởng thành cũng như ảnh hưởng đến tâm lý và mất kiểm soát về hành vi.
VĂN HÓA – XÃ HỘI
Khi bước vào tuổi dậy thì, ngoài những thay đổi trong cơ thể, trẻ còn có nhiều biến chuyển về tâm sinh lý, thường có những biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ, đặc biệt về tình dục. Người ta nhận thấy quá trình dậy thì và tình dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có văn hoá và xã hội.
Trước đây ở nhiều nước Á Đông, việc kết hôn trẻ em hay nạn tảo hôn vẫn là một vấn đề nan giải. Tỷ lệ kết hôn trẻ em giữa các vùng miền không giống nhau, nhưng trẻ em gái ở tất cả các khu vực và tầng lớp trong xã hội đều có nguy cơ trở thành cô dâu nhỏ tuổi. Ở độ tuổi còn nhỏ (thường 15-16 tuổi), việc kết hôn sớm sẽ làm các bé gái tiếp nhận các hoạt động tình dục và mang thai từ sớm một cách thụ động. Nhìn chung đây là độ tuổi mà cơ thể còn phát triển để tiếp tục hoàn thiện thành cơ thể trưởng thành, đồng thời yếu tố tâm lý cũng còn nhiều thay đổi và thường chưa vững vàng, điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động tình dục ban đầu. Những bé gái trong trường hợp này thường mang thai từ sớm và sinh nhiều con.
Hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trẻ em dễ dàng tiếp xúc với các văn hoá phẩm có nội dung yêu đương, tình dục từ độ tuổi còn rất nhỏ. Một nghiên cứu tại Anh cho thấy 51% trẻ em trong nhóm 11-13 tuổi đã xem phim khiêu dâm ít nhất một lần và con số này tăng lên 66% ở nhóm 14-16 tuổi. Việc tiếp cận các nội dung trên sẽ kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng và mong muốn được trải nghiệm của trẻ. Chính sự phát triển tâm sinh lý sớm từ này sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục và có thể gây ra dậy thì sớm. Đối với trẻ đang trong thời điểm dậy thì, các hormone của tuyến sinh dục sẽ tác động đến sự phát triển của bộ phận sinh dục, kèm theo đó là các tác động lên cảm xúc, làm cho trẻ luôn hứng thú khi được nghe, đọc hay xem phim về tình dục và mong muốn được khám phá cơ thể mình cũng như cơ thể đối phương. Chính những điều này đã khởi đầu cho các hoạt động tình dục sơ khai của trẻ nhằm giúp trẻ thể hiện cảm xúc tình dục.
Bên cạnh văn hoá, yếu tố gia đình và tâm lý xã hội cũng tác động đến thời điểm dậy thì cũng như hoạt động tình dục ở trẻ. Theo nghiên cứu của Anderson, sự thiếu vắng vai trò của người bố ở tuổi lên sáu hoặc chưa bao giờ chung sống với bố trong thời thơ ấu được xem là một dạng căng thẳng tâm lý và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính và các hành vi tình dục lúc trưởng thành. Nghiên cứu được tiến hành trên nhóm đa sắc tộc (da đen, da màu và da trắng) và bao gồm cả nam và nữ. Kết quả cho thấy nhóm nữ giới không chung sống cùng bố từ năm 5 tuổi có thời gian dậy thì sớm hơn 3 tháng so với nhóm có gia đình đầy đủ. Nhóm trẻ này cũng có trải nghiệm tình dục, tuổi quan hệ tình dục lần đầu sớm hơn và có thể mang thai và sinh con sớm hơn (9). Các bé gái khi lớn lên thiếu vắng sự quan tâm và chăm sóc của người bố có xu hướng dễ rung động và bị thu hút bởi những quan tâm của đối phương, do đó các ham muốn tình dục cũng thường xuất hiện sớm hơn. Điều này cũng tương tự đối với nhóm trẻ có bố mẹ đã ly hôn và tiến tới cuộc hôn khác. Ví dụ như việc chung sống với người mẹ có nhiều bạn trai sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con cái nhất là trong độ tuổi dậy, dẫn đến chúng có xu hướng tìm kiếm bạn trai/bạn gái để được quan tâm và san sẻ các cảm xúc thiếu vắng từ gia đình.
Tóm lại, dậy thì là một giai đoạn quan trọng với nhiều sự thay đổi về thể chất và tâm lý ở trẻ. Đây là quá trình phức tạp và có sự kết hợp của nhiều yếu tố từ di truyền cho đến môi trường sống, dinh dưỡng cũng như văn hoá xã hội. Việc nhìn nhận được tác động của các yếu tố này có thể cải thiện và nâng cao lối sống lành mạnh, khoa học hơn để giúp cho trẻ trải qua quá trình dậy thì, tình dục sơ khai khoẻ mạnh. Đối với các bệnh lý liên quan đến dậy thì sớm và muộn, cha mẹ cần lưu ý theo sát con mình trong suốt thời gian trước và sau dậy thì để kịp thời phát hiện những bất thường trong cơ thể con trẻ, qua đó sớm có hướng tiếp cận để nhận tư vấn từ các bác sĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Macedo DB, Kaiser UB. DLK1, Notch Signaling and the Timing of Puberty. Semin Reprod Med. 2019;37(4):174–81.
2. Choi JH, Yoo HW. Control of puberty: Genetics, endocrinology, and environment. Curr Opin Endocrinol Diabetes Obes. 2013;20(1):62–8.
3. Zhu J, Kusa T, Chan Y-M. Genetics of Pubertal Timing. Physiol Behav. 2017;176(12):139–48.
4. Nguyen NTK, Fan HY, Tsai MC, Tung TH, Vu Huynh QT, Huang SY, et al. Nutrient intake through childhood and early menarche onset in girls: Systematic review and meta-analysis. Nutrients. 2020;12(9):1–19.
5. Cheng G, Buyken AE, Shi L, Karaolis-Danckert N, Kroke A, Wudy SA, et al. Beyond overweight: Nutrition as an important lifestyle factor influencing timing of puberty. Nutr Rev. 2012;70(3):133–52.
6. Alotaibi MF. Physiology of puberty in boys and girls and pathological disorders affecting its onset. J Adolesc [Internet]. 2019;71(September 2018):63–71. Available from: https://doi.org/10.1016/j.adolescence.2018.12.007
7. Said-Mohamed R, Prioreschi A, Nyati LH, van Heerden A, Munthali RJ, Kahn K, et al. Rural–urban variations in age at menarche, adult height, leg-length and abdominal adiposity in black South African women in transitioning South Africa. Ann Hum Biol. 2018;45(2):1–10.
8. Buck Louis GM, Gray LE, Marcus M, Ojeda SR, Pescovitz OH, Witchel SF, et al. Environmental factors and puberty timing: Expert panel research needs. Pediatrics. 2008;121(SUPPL.3).
9. Anderson KG. Father Absence, Childhood Stress, and Reproductive Maturation in South Africa. Hum Nat. 2015;26(4):401–25.
CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ