1. Mối quan hệ nhân quả giữa rối loạn chức năng tình dục nữ và vô sinh
Hầu hết các rối loạn về chức năng tình dục thường không cản trở đến khả năng thụ thai của người phụ nữ ngoại trừ hiện tượng co thắt âm đạo.. Nếu cơ thắt tại âm đạo mất chức năng hoặc co bóp liên tục không tự chủ khi dương vật đưa vào, việc quan hệ tình dục sẽ gây đau đớn cho người nữ, thậm chí không thể thực hiện động tác giao hợp. Người nam không thể xuất tinh vào âm đạo, và do vậy không thể có thai tự nhiên. Chứng co thắt âm đạo nếu không được điều trị phù hợp có thể tồn tại dai dẳng và dẫn đến tình trạng hiếm muộn.
Ngược lại, trong một số nghiên cứu, rối loạn tình dục lại được đề cập như là một hậu quả của vô sinh. Sự mong mỏi có con, quá trình, biện pháp can thiệp nhằm điều trị vô sinh hay những định kiến từ gia đình và xã hội vô hình chung đã gây ra áp lực đè nặng lên tâm lý của người phụ nữ. Một số báo cáo đã chỉ ra rằng, tần suất quan hệ, ham muốn tình dục cũng như sự thăng hoa cảm xúc ở phụ nữ giảm đi đáng kể sau khi tiếp nhận điều trị vô sinh. Nguy cơ rối loạn tình dục cũng tăng gấp 3 lần ở phụ nữ có tiền sử điều trị vô sinh. Việc quan hệ tình dục với mục đích cố gắng để mang thai sẽ làm cho hành vi tình dục thay đổi theo hướng tiêu cực.
Các phương pháp điều trị vô sinh như theo dõi nang noãn, thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm có thể ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống tình dục. Cụ thể là, mặc dù liệu pháp kích thích buồng trứng có thể làm tăng khả năng phóng noãn, nhưng tâm lý căng thẳng do điều trị có thể là nguyên nhân gây giảm ham muốn ở phụ nữ. Phương pháp canh phóng noãn (rụng trứng) và chỉ định quan hệ tình dục vào ngày phóng noãn cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vợ chồng do thiếu đi cảm giác riêng tư và thoải mái. Giao hợp một cách gượng ép vào một thời điểm xác định, nhằm làm tăng cơ hội thụ thai có thể tạo ra cảm giác bị thúc bách và áp lực về thời gian, gây ra sự suy giảm ham muốn và cảm xúc trong đời sống tình dục.
Hình 1. Rối loạn tâm lý ở người phụ nữ vô sinh
Hơn nữa, thời gian vô sinh kéo dài, chi phí điều trị tốn kém, tỷ lệ thụ thai thấp và sự đau đớn khi thực hiện các thủ thuật điều trị cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn tình dục do các tác động tâm lý tiêu cực lên người phụ nữ. Ảnh hưởng của vô sinh lên rối loạn tình dục sẽ kéo dài suốt quả trình điều trị và kèm theo đó là cảm giác hy vọng, có thể là thất vọng khi điều trị thất bại, vì vậy ít có khả năng tiên lượng và kiểm soát nó.
Bên cạnh áp lực từ việc điều trị vô sinh, người phụ nữ chưa có con còn chịu nhiều áp lực tâm lý từ định kiến xã hội làm tăng nguy cơ rối loạn tình dục. Trong hầu hết các nền văn hóa, mang thai và sinh con được xem là một phần trách nhiệm của phụ nữ, vô sinh thể hiện sự thiếu sót trong vai trò làm vợ. Đôi khi chính bản thân người phụ nữ cũng cảm thấy trách nhiệm sinh sản là của họ, vô sinh tạo cho họ cảm giác chưa hoàn thành nhiệm vụ nối dõi của gia đình.
Tóm lại, rối loạn tình dục nữ vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của vô sinh. Trong đó, chiều hướng rối loạn tình dục chịu tác động từ vô sinh được thể hiện rõ ràng hơn. Do vậy, trong chiến lược điều trị, các nhà lâm sàng trong lĩnh vực vô sinh cũng cần chú ý đến chất lượng đời sống thông qua hoạt động tình dục của người phụ nữ để có thể không bỏ sót và tăng hiệu quả điều trị.
Hình 2. Quan hệ tình dục với mong muốn có con tạo ra áp lực cho các cặp đôi
2. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến rối loạn tình dục ở các trường hợp vô sinh
Nhìn chung, những yếu tố nguy cơ liên quan đến rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ diễn ra tương tự ở các trường hợp vô sinh. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác liên quan đến bệnh lý gây ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ tình dục đặc trưng hơn ở đối tượng này có thể kể đến như thời gian kết hôn, thời gian mong con, các chỉ số cơ thể và rối loạn tâm lý.
Độ tuổi, thời gian kết hôn và thời gian vô sinh
Phụ nữ càng lớn tuổi và thời gian kết hôn càng dài có nguy cơ rối loạn tình dục càng cao. Các nghiên cứu đã báo cáo rằng độ tuổi trung bình của phụ nữ vô sinh thứ phát cao hơn phụ nữ vô sinh nguyên phát (tương ứng là 32,4 ± 5,2 và 28,5 ± 6,1). Đồng thời, phụ nữ vô sinh thứ phát có nguy cơ rối loạn tình dục cao gấp 9,5 lần so với phụ nữ vô sinh nguyên phát. Quá trình lão hóa diễn ra theo thời gian trên cơ thể của người phụ nữ với biểu hiện rõ nhất ở cơ quan sinh sản. Theo thời gian, số lượng và chất lượng nang noãn ngày càng giảm sút và giảm tuyệt đối vào thời kỳ mãn kinh trong khi mong muốn có con càng ngày càng thôi thúc, tạo ra những áp lực nặng nề lên tâm lý người phụ nữ. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành và là yếu tố làm nặng thêm tình trạng rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới. Thời gian vô sinh cũng là một trong những nhân tố gây rối loạn tình dục. Người ta nhận thấy thời gian vô sinh trên 3 năm làm tăng nguy cơ rối loạn tình dục nữ gấp 3,18 lần, mong con từ 3-6 năm có thể làm suy giảm đến mức thấp nhất sự thỏa mãn tình dục ở nữ.
Chỉ số cơ thể
Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (HCBTĐN), mụn, rậm lông, tăng cân khó kiểm soát dẫn tới béo phì trung tâm là những triệu chứng thường gặp chủ yếu do sự tác động của cơ chế đề kháng insulin. Điều đó tạo nên sự khác biệt đáng kể về các chỉ số cơ thể như: cân nặng, vòng bụng, tỷ lệ vòng bụng/vòng mông và tỷ lệ vòng bụng/chiều cao giữa những phụ nữ mắc HCBTĐN với những phụ nữ không mắc bệnh. Những biểu hiện này có thể khiến cho người bệnh mặc cảm về ngoại hình của bản thân, từ đó, mất dần sự tự tin khi quan hệ tình dục. Thêm vào đó, các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng phụ nữ vô sinh với chỉ số khối cơ thể (BMI) cao (>29,9) cũng có điểm số chức năng tình dục thấp.
Rối loạn tâm lý
Các rối loạn tâm lý như trầm cảm, căng thẳng, lo âu… cũng đã được chứng minh là làm gia tăng rối loạn tình dục nữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ rối loạn tâm lý ở bệnh nhân vô sinh cao hơn so với người có chức năng sinh sản bình thường. Trầm cảm và lo âu ở phụ nữ có thể được gây ra từ hoạt động điều trị vô sinh, như việc lấy máu xét nghiệm, việc tiêm thuốc, hay thủ thuật chọc hút trứng. Trong đó, với những phụ nữ nhạy cảm và có khả năng chịu đau kém, thì việc sử dụng thuốc tiêm lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình kích thích buồng trứng là một thách thức tâm lý rất lớn.
Như vậy, chức năng tình dục ở nữ giới có thể chịu tác động của rất nhiều yếu tố từ các lĩnh vực khác nhau. Rối loạn tình dục gây ra những tổn hại đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ, đăc biệt là phụ nữ vô sinh. Nhân viên y tế nên có một cái nhìn tổng quan về rối loạn tình dục nữ trong điều trị vô sinh nhằm mục đích đưa ra những giải pháp hỗ trợ tâm lý bên cạnh việc chú trọng vào quá trình điều trị để nâng cao chất lượng chăm sóc và có thể cải thiện tỉ lệ thành công.
Tài liệu tham khảo
- Iris A, Kirmizi DA, Taner CE (2013), "Effects of infertility and infertility duration on female sexual functions", Arch Gynecol Obstet, 287:809-12.
- Jamali S, Zarei H, Jahromi AR (2014), "The relationship between body mass index and sexual function in infertile women: a cross-sectional survey", Iran J Reprod Med, 12: 189-98.
- Keskin U, Coksuer H, Gungor S, et al. (2011), "Differences in prevalence of sexual dysfunction between primary and secondary infertile women", Fertil Steril, 96:1213-7.
- Kucur SK, Ilay G, Aysenur A, et al. (2016), "Effects of infertility etiology and depression on female sexual function", J Sex Marital Ther, 42:27-35.
CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ