Sara I. McClelland
(Đại học Michigan)
Trong hơn 20 năm qua, chất lượng cuộc sống tình dục là chủ đề ngày càng được các nhà tâm lý học quan tâm đến, đặc biệt ở nhóm dân số lớn tuổi và mắc bệnh. Khi tuổi thọ trung bình tăng lên kèm theo việc mắc các bệnh lý mạn tính, duy trì chất lượng đời sống tình dục đã trở thành một yếu tố quan trọng trong chất lượng cuộc sống nói chung, chủ yếu tập trung vào việc duy trì chức năng tình dục sau khi được chẩn đoán và điều trị. Nhữngđịnh nghĩa, khái niệm về chức năng tình dục và các yếu tố liên quan bị ảnh hưởng đáng kể bởi tốc độ phát triển và đổi mới của kỹ thuật y học - dược học trong công tác điều trị rối loạn chức năng tình dục. Thêm vào đó, các can thiệp thử nghiệm trên nhóm bệnh nhân có rối loạn chức năng tình dục được rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm đề cập đến trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Từ năm 1980 đến năm 1989, chỉ có 607 bài báo được xuất bản về chức năng tình dục, các rối loạn và sức khỏe tình dục, từ năm 1990 đến năm 1999 đã tăng lên 1.428 bài. Vào đầu thế kỷ 21, con số này đã nhảy vọt lên 5.202 bài báo được xuất bản từ năm 2000 đến năm 2009, tăng gần 9 lần trong hai thập kỷ. Chức năng tình dục là một lĩnh vực nghiên cứu mới, góp phần không nhỏ vào việc định hướng phương pháp điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và bạn tình của họ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những khái niệm và cơ chế của chức năng tình dục thường được sử dụng trong các đề xuất nghiên cứu có đủ khả năng mô tả quy mô và phạm vi chất lượng cuộc sống tình dục (SQoL) của cả nam lẫn nữ hay không, đặc biệt là những người đang bị bệnh, đã khỏi bệnh hoặc đang mắc bệnh mạn tính?
Chương dưới đây đưa ra 10 khuyến nghị giúp định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Các khuyến nghị bao gồm phương pháp đo lường, đề xuất thiết kế nghiên cứu với mục tiêu củng cố kiến thức và hiểu biết của các nhà nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố tâm lý trong chất lượng đời sống tình dục ở các nhóm dân cư khác nhau, ở những đối tượng lớn tuổi và/hoặc đang mắc bệnh và có thể đang được điều trị. Mặc dù có nhiều nguồn tài liệu về tâm lý học giúp định hướng, các nhà nghiên cứu có thể lựa chọn những bộ công cụ/thang đo có sẵn để đánh giá sức khỏe và chức năng tình dục, với mục tiêu cụ thể là giúp nắm bắt những khía cạnh thường chưa được biết đến về chất lượng cuộc sống tình dục, dù thiết kế các phương pháp đo lường mới hay sử dụng các thang đo đã được chuẩn hóa trước đó. Mục đích của chương này là nêu bật các vấn đề về khái niệm chất lượng cuộc sống tình dục, cung cấp kết quả nghiên cứu để có thể áp dụng các phương pháp đánh giá phù hợp cho nam giới và nữ giới ở mọi lứa tuổi, trong các mối quan hệ mật thiết và với các mức độ khác nhau của quan hệ tình dục. Nếu không chú ý đến những khái niệm này, các nhà nghiên cứu có nguy cơ bỏ sót các đặc điểm quan trọng về chất lượng đời sống tình dục và một loạt các biểu hiện rối loạn chức năng tình dục liên quan.
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG TÌNH DỤC VÀ BỆNH LÝ
Chất lượng cuộc sống tình dục được định nghĩa bởi nhiều yếu tố khác nhau trong đó mỗi cá nhân đều phải có đời sống tình dục lành mạnh và hạnh phúc. Chúng bao gồm các đáp ứng, nhận thức và thái độ tình dục, cũng như các khía cạnh liên quan đến các mối quan hệ thân thiết và quyền được có đời sống tình dục khỏe mạnh của mỗi cá nhân. Đặc tính sinh lý trong một chu kỳ đáp ứng tình dục, đặc biệt là những thay đổi của bộ phận sinh dục, thường được quan tâm trong các nghiên cứu về chức năng tình dục. Nghiên cứu về tình dục trên đối tượng mắc bệnh lý thường đặc trưng bởi không thoả mãn trong tình dục do giảm khoái cảm (rối loạn cương dương hoặc giảm tiết dịch nhờn) trước hoặc trong khi hoạt động tình dục. Sự thay đổi bộ phận sinh dục đã được quan sát thấy trên cơ thể bệnh nhân đang mắc bệnh hoặc đang tiếp nhận điều trị. Ví dụ, nghiên cứu về ung thư đã liên tục chứng minh rằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với bộ phận sinh dục của bệnh nhân và kết quả làm rối loạn chứng năng tình dục của họ. Những thay đổi ở phụ nữ có thể là hẹp âm đạo, teo niêm mạc và khô rát, giảm tiết dịch bôi trơn, đối với nam giới, những thay đổi bao gồm rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và rối loạn chức năng tiết niệu và ruột. Nghiên cứu dựa trên những kết quả này là cốt lõi để giúp bác sĩ dự đoán và tư vấn cho bệnh nhân khả năng suy giảm chức năng tình dục trong thời gian ngắn hay dài hạn. Tuy nhiên, dù chức năng sinh dục và sinh lý vẫn là những thành phần thiết yếu của chất lượng cuộc sống tình dục, nhưng điều quan trọng là phải nhận thức được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục khác, bao gồm tâm lý, các mối quan hệ - xã hội trong đó khả năng đáp ứng tình dục tồn tại. Các khía cạnh này bao hàm cả những hoạt động tình dục khác ngoài cổ điển qua đường dương vật - âm đạo, vai trò của sự thay đổi trên cơ thể (không chỉ giới hạn ở việc các bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng hoặc hình thái bộ phận sinh dục), và ảnh hưởng của bản dạng giới đối với việc xác định thế nào là hoạt động tình dục “thoả mãn”.
Trọng tâm về sinh lý đáp ứng tình dục chủ yếu là hệ quả của mô hình chu kỳ đáp ứng tình dục của con người do Masters và Johnson đề xuất hơn 40 năm trước. Mô hình này vẫn là cách thức mô tả và dự đoán trải nghiệm tình dục ở người phổ biến nhất, cũng là cơ sở cho một số thang đo được sử dụng để đánh giá sức khỏe tình dục và phần lớn đánh giá khả năng đáp ứng tình dục bình thường. Chu kỳ đáp ứng tình dục bao gồm bốn giai đoạn tuyến tính từ Ham muốn, Hưng phấn, Cực khoái đến Thư giãn của Masters và Johnson có sức ảnh hưởng lớn lao, một phần do mô hình này đã dẫn đến sự phát triển các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn chức năng tình dục như đã được mô tả trong Diagnostic and Statistical Manual – DSM, phiên bản được sử dụng để hướng dẫn thực hành lâm sàng tại Hoa Kỳ.
Mặc dù mô hình đã được xem xét kỹ lưỡng trong những năm gần đây, đặc biệt là xác định chu kỳ đáp ứng tình dục ở phụ nữ, những tranh cãi về phản ứng tình dục ở con người nằm ngoài phạm vi bài viết này. Điều quan trọng cần lưu ý là những tranh cãi về “phản ứng tình dục bình thường” bằng cách nào đó lại có sự phát triển tương đối trong các nghiên cứu về bệnh tật và tình dục. Các nghiên cứu cũng tập trung vào hai nhóm này để tìm hiểu sâu hơn các mô hình sức khỏe tình dục đã được thiết lập từ lâu và định nghĩa tình dục “bình thường” một cách đa dạng hơn thay vì chỉ đơn thuần là một giai đoạn tuyến tính từ ham muốn đến cực khoái. Thách thức đặt ra là đâu là cách tiếp cận tốt nhất để tìm hiểu sự phong phú của đời sống tình dục ở đối tượng đang mắc bệnh hay những thay đổi trong hoạt động và sức khỏe tình dục hậu quả của bệnh tật và quá trình điều trị.
Đối với bệnh nhân và những người sống chung với bệnh tật, chất lượng cuộc sống tình dục gần đây đã trở thành một yếu tố quan trọng trong nghiên cứu về chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe. Ví dụ, trong nghiên cứu về ung thư, sức khỏe tình dục đã được chứng minh là đóng một vai trò quan trọng trong thời gian sống còn lại và được bệnh nhân nhắc đi nhắc lại như một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của họ mà họ lo sợ sẽ giảm đi khi bị bệnh. Nghiên cứu trong lĩnh vực này mở rộng đến cả những cá nhân đang đối mặt với hoạt động tình dục như thủ tục, bệnh mãn tính, hay các vấn đề ở giai đoạn cuối cuộc đời. Tuy nhiên, một số bệnh lý như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt đã được nghiên cứu sâu hơn về các hậu quả tiêu cực đến đời sống tình dục, tạo ra sự phân bổ không đồng đều trong nghiên cứu.
Một số yếu tố về bệnh lý ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống tình dục một cách dễ dàng và tự động. Mặt khác, một số bệnh bản thân đã có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng tình dục do xuất phát từ cơ quan sinh dục như ung thư phụ khoa, các bệnh khác ít liên quan đến chất lượng tình dục thường dễ bị bỏ qua. Một số can thiệp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tình dục như phẫu thuật tuyến tiền liệt gây rối loạn cương dương, tác động của hóa trị liệu đối với sự giảm bôi trơn âm đạo. Bên cạnh đó, những thay đổi về tổng trạng do sự xuất hiện của khối u sau phẫu thuật ung thư đại trực tràng có thể làm xấu cơ thể, giảm sự tự tin, suy giảm chức năng cơ quan sinh dục gây tác động tiêu cực đến hoạt động tình dục một cách gián tiếp, và cuối cùng là ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn tình.
Ngoài ra, một số bệnh lý ở cơ quan đặc biệt như ung thư vú có liên quan đến các khía cạnh của tình dục từ cảm giác mất nam tính hoặc nữ tính, là kết quả của chẩn đoán hoặc điều trị phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú. Mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan sinh dục và giới tính trong các mối quan hệ tình dục khuyến khích các nhà nghiên cứu, bệnh nhân và bạn tình của họ mắc những loại bệnh này cần cân nhắc các vấn đề về chức năng tình dục và điều chỉnh chức năng tình dục là yếu tố chính. Đồng thời, những người mắc bệnh lý khác cũng không được tư vấn để phòng tránh những tác động tiêu cực này như bệnh thận hoặc gan. Tóm lại, trong khi mối quan tâm của bệnh nhân và gia đình về cơ quan sinh dục, bản dạng giới và các mối quan hệ mật thiết giữa chúng vốn dĩ có thể bị bỏ qua bất kể loại bệnh tật, vị trí hay phác đồ điều trị, nghiên cứu về lĩnh vực này tập trung vào một nhóm bệnh nhân nhỏ và cụ thể.
Sự không đồng đều trong nghiên cứu về tình dục và bệnh lý ảnh hưởng đáng kể đến mối quan tâm của bác sĩ về sức khỏe tình dục của bệnh nhân. Ví như trong bệnh lý thấp khớp, chỉ 12% bệnh nhân được bác sĩ đề cập đến chất lượng hoạt động tình dục. Thời gian thăm khám hạn chế, không gian không đủ riêng tư, bệnh nhân không thoải mái hay chuyên môn chồng chéo, không rõ sức khỏe tình dục có phải là khía cạnh mà bác sĩ về xương khớp có thể khai thác hay không là những lý do khiến cho việc hạn chế khai thác thông tin về lĩnh vực này. Mức độ liên quan giữa bệnh tật và sự tiêu cực của chất lượng đời sống tình dục một cách tiềm ẩn đã làm ảnh hưởng đến các nghiên cứu và công tác điều trị.
Mức độ quan tâm không đồng đều giữa tình dục và các bệnh lý còn được thể hiện thông qua hỗ trợ kinh phí, nghiên cứu và công tác giáo dục bệnh nhân về sức khỏe tình dục được tài trợ từ các tổ chức. Lướt nhanh qua trang web của các tổ chức như: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Tổ chức Đa xơ cứng rải rác, Hội Viêm khớp và Hội Tim mạch cho thấy đã có sự thay đổi lớn về lượng thông tin chất lượng cuốc sống tình dục (SQoL). Ví dụ, trang web của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ bao gồm 25 trang về sức khỏe tình dục và các mối liên quan, chứa tổng cộng 32.792 từ về chủ đề này. Trong khi đó, trang web của Hiệp hội Viêm khớp chỉ có hai trang với 691 từ. Cả trang web của Tổ chức Giáo dục và Nghiên cứu Bệnh thấp khớp Đại học Hoa Kỳ lẫn trang web của Hội Tim mạch đều không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến sức khỏe tình dục. Điều đó đã chứng tỏ rằng chất lượng đời sống tình dục được chú trọng hơn trong một số bệnh lý nhất định.
Cuối cùng, mối liên hệ giữa sức khỏe tình dục và bệnh tật có thể ảnh hưởng bệnh nhân và kỳ vọng của bạn tình về những thay đổi trong chức năng tình dục gây ra bởi đặc tính của bệnh. Trong các nghiên cứu, rối loạn chức năng tình dục có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể đơn thuần hoặc kết hợp, bao gồm lão hóa, ảnh hưởng của bệnh tật và tác dụng điều trị nội khoa hay ngoại khoa. Những nguyên nhân này được đặt ra trong các nghiên cứu về rối loạn chức năng tình dục và bệnh lý và thường không so sánh với nhóm khỏe mạnh, vì nguyên nhân của nhóm này được cho là hoàn toàn bắt nguồn từ yếu tố tâm lý hoặc các vấn đề của mối quan hệ với bạn tình. Do vậy, các nhà tâm lý học hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe tình dục không chỉ có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và bạn tình mà còn xác định những vấn đề trong sức khỏe tình dục bằng nhiều cách thức tương ứng với những trải nghiệm đa dạng của họ.
Đồng thời, những vấn đề mà các nhà tâm lý học sức khỏe gặp phải có thể định hình lĩnh vực nghiên cứu tình dục một cách rộng rãi hơn. Trong suốt cuộc đời của mỗi người sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục, những thay đổi trong cơ thể do bệnh tật hay do lão hóa, và một loạt các mối liên quan đến đời sống tình dục ngày càng tăng. Các nhà tâm lý học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển lý thuyết và quan sát thực nghiệm các yếu tố đó trong nghiên cứu của họ và đóng góp cho các nghiên cứu về chất lượng cuộc sống tình dục của con người.
ĐỊNH NGHĨA VÀ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG TÌNH DỤC
Hơn 20 năm qua, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu vượt trội về chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân đang mắc những bệnh lý nghiêm trọng. Ví dụ điển hình là trong bệnh ung thư, các phương pháp điều trị mới và thời gian sống kéo dài hơn đã làm tăng chất lượng và hiệu quả điều trị giúp cải thiện mọi mặt về chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Và trong lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn về chất lượng cuộc sống có chứa đựng nội dung của chất lượng đời sống tình dục.
Một số công cụ tự báo cáo để đánh giá chất lượng cuộc sống đã được phát triển và xác nhận giá trị trong các nhóm dân cư đa dạng. Trong một vài công cụ, các chỉ số chức năng tình dục là một miền trong cấu trúc của chất lượng cuộc sống. Các bộ công cụ khác về sức khỏe tình dục trong mô hình bệnh lý cụ thể (ví dụ: bảng câu hỏi cốt lõi EORTC QLQ 30 và ung thư vú QLQ-BR23; và FACT-G và FACT-B). Trong các bộ câu hỏi này, mục về ham muốn và sự thỏa mãn tình dục đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu cách theo dõi tác dụng phụ khi điều trị, đánh giá sự phát triển các can thiệp tâm lý xã hội theo thời gian (ví dụ, những thay đổi từ khi kết thúc điều trị sang sau 12 tháng điều trị). Dữ liệu này rất cần thiết trong việc hỗ trợ hướng dẫn các biện pháp can thiệp, tăng cường giáo dục bệnh nhân và giúp cho cả bệnh nhân và nhà lâm sàng có sự hiểu biết sâu sắc về sự ảnh hưởng của bệnh tật lên chất lượng cuộc sống tình dục.
Tuy nhiên, các thang đo bệnh tật và cơ quan mắc bệnh đặc hiệu bị hạn chế về khối lượng thông tin cho mỗi khía cạnh của chất lượng cuộc sống, thường bao gồm nhiều nhất từ 3-5 mục để đo lường sức khỏe tình dục và chỉ có 1 mục liên quan đến chất lượng cuộc sống tình dục. Chỉ số chức năng tình dục trong thang đo chất lượng cuộc sống nhằm mục tiêu giảm gánh nặng cho bệnh nhân, tăng hiệu quả điều trị lâm sàng, tuy nhiên, chúng lại làm giảm khả năng hiểu biết rộng hơn các khái niệm tâm lý như điều chỉnh tình dục và thích nghi với bệnh tật.
Ngoài các thang đo đã được phát triển để nghiên cứu bệnh lý và vị trí bệnh đặc hiệu, còn có thang đo được sử dụng để nghiên cứu về chức năng tình dục, mặc dù không được phát triển chuyên biệt dành cho nhóm bệnh nhân mắc bệnh lý thực thể, nhưng đã được các nhà nghiên cứu đề cập trong quần thể mắc bệnh. Hai thang đo được các nhà tâm lý học sử dụng phổ biến nhất là Chỉ số Quốc tế về Chức năng Cương dương (IIEF; Rosen và cộng sự, 1997) và Chỉ số Chức năng Tình dục Nữ (FSFI; Rosen và cộng sự, 2000). Những bộ câu hỏi này được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu lâm sàng, tâm lý học, dược học và đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho những nghiên cứu lâm sàng về chức năng tình dục. Như một cách thể hiện mức độ phổ biến của hai thước đo này, theo ISI Web of Science (được tìm kiếm vào tháng 1 năm 2010), IIEF đã được trích dẫn 1.311 lần kể từ khi xuất bản vào năm 1997 và FSFI đã được trích dẫn 481 lần kể từ khi được xuất bản vào năm 2000.
Nội dung bài này sẽ không xem xét các thước đo về chức năng tình dục vì đã có nhiều chương khác đã đề cập đến vấn đề này. Các thang đo chức năng tình dục có sẵn đã đem lại nhiều kiến thức hữu ích ở các khía cạnh của kết quả tình dục nhưng ít hiệu quả hơn trong việc đánh giá chất lượng cuộc sống tình dục, một mô hình rộng hơn đòi hỏi sự chú ý đến sức khoẻ tâm lý, mối quan hệ và thể chất của một cá nhân, ngoài ra các đặc điểm về sức khỏe tình dục hiện nằm ngoài phạm vi của các quan điểm về chức năng tình dục (xem DSM IV và IVTR).
Là một bước tiến tới việc lý thuyết hóa mô hình này một cách rộng rãi, cần thảo luận ba vấn đề trọng tâm khi thiết kế nghiên cứu về chất lượng cuộc sống tình dục: quyết định thang đo và cách thức lấy mẫu, định nghĩa về tình dục và các vấn đề cần khảo sát trong thiết kế nghiên cứu. Hy vọng rằng những khuyến nghị này thúc đẩy các nhà tâm lý học chú ý hơn đến các vấn đề tình dục vì chúng ảnh hưởng đến điều trị và tiết lộ các cơ chế tâm lý cơ bản về sức khỏe tình dục mà hiện tại đang được nghiên cứu nhiều nhưng chưa được hiểu rõ. Chương này tập trung vào các vấn đề định nghĩa và các thang đo, đánh giá về nhu cầu hay can thiệp lâm sàng sẽ không được đề cập không xem xét các đánh giá nhu cầu hay can thiệp lâm sàng (xem Lenahan, 2004, để thảo luận về các vấn đề sức khỏe tình dục trong nhiều loại bệnh mãn tính; xem thêm Andersen, 2002; Andersen, Shelby, & Golden-Kreutz, 2007). Bài này cũng không bàn luận về nguyên nhân hoặc các di chứng tình dục (để thảo luận, xem Basson & Schultz, 2007; Bhasin, Enzlin, Coviello, & Basson, 2007; Clayton & Ramamurthy, 2008; Rees, Fowler, & Maas, 2007). Bài cũng giới hạn bàn luận này về các bệnh thực thể, do đó không bao gồm các vấn đề liên quan đến bệnh tâm thần và tình dục. Cuối cùng, trong khi tác giả đề ra những khuyến nghị này cho các nhà nghiên cứu tình dục trong bối cảnh y học, không đề xuất một mô hình lý thuyết chung để giải quyết các vấn đề chất lượng cuộc sống tình dục trên tất cả các bệnh mãn tính (xem Verschuren, Enzlin, Dijkstra, Geertzen, & Dekker, 2010, để thảo luận của một khung khái niệm chung nghiên cứu bệnh mãn tính và tình dục).
Nhìn nhận những vấn đề mà các nhà tâm lý học gặp phải khi thiết kế nghiên cứu, chúng tôi đưa ra 10 khuyến nghị được chia thành ba lĩnh vực. Nhóm khuyến nghị đầu tiên liên quan đến vấn đề đo lường khi đánh giá chất lượng cuộc sống tình dục. Các khuyến nghị trong nhóm này đề cập đến việc đo lường từ góc nhìn lý thuyết rộng (ví dụ: vai trò của xã hội hóa giới tính), cũng như từ góc độ truyền thống (ví dụ, vấn đề về cấu trúc tương đương). Nhóm khuyến nghị thứ hai liên quan đến sự khác biệt định nghĩa về các giai đoạn tình dục trong các nghiên cứu. Bằng cách đánh giá hệ quả của việc hạn chế các hoạt động và hành vi được đưa vào nghiên cứu về sức khỏe tình dục, những khuyến nghị này thúc đẩy các nhà điều tra mở rộng định nghĩa những gì “được xem” là tình dục. Cuối cùng, nhóm khuyến nghị thứ ba giúp cân nhắc các quyết định thiết kế cách thức một nghiên cứu được tiến hành và loại câu hỏi nào sẽ được trả lời bởi các thiết kế này (ví dụ: sử dụng thiết kế cắt ngang hay là thiết kế dọc). Trong khi 10 khuyến nghị này không đề cập đến mọi khía cạnh của quá trình nghiên cứu, mỗi khuyến nghị được đề ra đóng vai trò quyết định quan trọng giúp các nhà tâm lý học đối mặt khi thiết kế nghiên cứu về chất lượng cuộc sống tình dục trong bối cảnh bệnh tật.
MƯỜI KHUYẾN NGHỊ ĐỂ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG TÌNH DỤC TRONG NHỮNG NGƯỜI ĐANG ĐỐI MẶT VỚI BỆNH TẬT
1. THỪA NHẬN VAI TRÒ CỦA XÃ HỘI HÓA GIỚI TÍNH TRONG ĐÁNH GIÁ TÌNH DỤC
Nhiều nghiên cứu tìm thấy rằng có sự khác biệt về kết quả tình dục giữa 2 giới (nam giới và nữ giới đánh giá mức độ thỏa mãn tình dục của họ khác nhau). Tuy nhiên, một quan điểm thay thế khác nhấn mạnh tác động của vai trò xã hội hóa giới tính khi hiểu tại sao nam giới và phụ nữ như vậy. Trong bài tổng quan Nhà tâm lý học người Mỹ về nam giới, sự nam tính và tìm kiếm sự giúp đỡ, Addis và Mahalik (2003) đã định nghĩa quan điểm vai trò xã hội hóa giới tính như sau: “Vai trò mô hình xã hội hóa bắt đầu với giả định rằng đàn ông và phụ nữ học được thái độ và hành vi theo giới tính từ các giá trị văn hoá, chuẩn mực và hệ tư tưởng thế nào là nam và nữ ”. Mở rộng hơn về định nghĩa này, Range và Jenkins (2010) đã định nghĩa xã hội hóa giới tính là quá trình mà phụ nữ và nam giới biết rằng một số cảm xúc, suy nghĩ và hành vi nhất định phải phù hợp với giới tính. Ví dụ, trong khi phụ nữ thường được dạy rằng hành động nâng niu và thể hiện ấm áp được đánh giá cao, thì nam giới lại được cho là không phù hợp. Những thông điệp này kết hợp và kéo dài trong suốt cuộc đời, những thực hành phụ thuộc giới này dẫn đến việc đàn ông và phụ nữ hình thành những kỳ vọng khác nhau liên quan đến các chuẩn mực tình dục, các mối quan hệ và kinh nghiệm.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình dục là một trong những lĩnh vực mạnh mẽ nhất mà nam giới và phụ nữ cảm thấy áp lực khi thể hiện vai trò giới. Mặc dù có nhiều tư liệu ghi nhận có khác biệt về giới trong kết quả và thái độ tình dục, nghiên cứu về cơ chế liên kết giữa xã hội hóa giới với kết quả tình dục vẫn ngày một tăng. Ví dụ, Kiefer và Sanchez (2007) đã nhận thấy rằng chuẩn mực về giới phù hợp ở phụ nữ liên quan đến sự thụ động tình dục, dẫn đến giảm tỷ lệ hưng phấn, chức năng và thỏa mãn tình dục. Ngoài ra, nghiên cứu cũng mô tả mối liên hệ giữa chuẩn mực về giới với sự gia tăng tỷ lệ đồng ý quan hệ tình dục không mong muốn với bạn tình (Bay-Cheng & Eliseo-Arras, 2008) và giảm tỷ lệ đạt khoái cảm tình dục ở nữ (Sanchez và cộng sự, 2005). Trong nghiên cứu của Impett và Peplau (2003) về sự hài lòng trong các mối quan hệ khác giới, tác giả đã trình bày rõ chuẩn mực về giới ảnh hưởng đến vấn đề ưu tiên ở đàn ông và phụ nữ khi đánh giá mức độ thỏa mãn tình dục của họ.
Thật không may, phần lớn nghiên cứu về xã hội hóa giới tính vẫn nằm ngoài phạm vi của các tài liệu về sự thích ứng tình dục và bệnh tật, nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi. Ví dụ, trong một nghiên cứu về phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh viêm âm hộ (đau âm hộ và viêm tiền đình âm hộ), Marriott và Thompson (2008) đã phát hiện ra rằng phụ nữ ưu tiên sự thỏa mãn của bạn tình đến mức họ vẫn quan hệ tình dục mặc dù cảm thấy đau đớn. Một phụ nữ đã nói rằng: “Anh ấy thường hỏi tôi rằng anh có làm tôi đau không? Và tôi đã nghiến răng trả lời không, trong khi thật ra tôi đang rất đau đớn”. Trong một nhóm nghiên cứu liên quan, các nhà điều tra đã xem xét toàn diện tác động của ung thư vú lên sự nữ tính, hình ảnh cơ thể và mối quan hệ với bạn đời (Avis, Crawford, & Manuel, 2004; Pikler & Winterowd, 2003). Tiến hành phỏng vấn 40 bệnh nhân đã được điều trị phẫu thuật điều trị những bệnh mãn tính, Manderson (1999) nhận thấy rằng phụ nữ tự ý thức về ngoại hình của mình hơn nam giới và cho biết họ cảm thấy giảm ham muốn do cơ thể có những thay đổi, không chỉ ở cơ quan sinh dục.
Chuẩn mực về giới cũng gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe tình dục của nam giới. Schover và cộng sự (2004) đã phát triển mô hình Rối loạn cương dương- Tìm kiếm trợ giúp để đánh giá thái độ truyền thống về tình dục có thể cản trở hành động tìm kiếm sự trợ giúp như thế nào; những người đàn ông mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt có quan niệm truyền thống mạnh mẽ về tình dục và vai trò giới tính thường ít tìm kiếm sự trợ giúp về y tế khi mắc rối loạn cương dương. Trong một nghiên cứu phỏng vấn những người đàn ông Mỹ gốc Phi và Latinh có thu nhập thấp, Maliski, Rivera, Connor, Lopez và Litwin (2008) đã cho thấy những người tham gia phải vật lộn để duy trì hình ảnh bản thân trong quá trình điều trị ung thư tuyến tiền liệt và các di chứng của nó, đặc biệt họ phải vật lộn với việc mất đi phong độ tình dục lý tưởng của nam giới. Những người tham gia thảo luận về ý nghĩa của việc “không thể hòa hợp với vợ” hay cảm thấy sợ mất bạn tình vì không thể cương cứng. Điều thú vị là những người tham gia cũng tiết lộ rằng khi họ ở với những người bạn nam khác, họ nói chuyện như thể họ vẫn đang quan hệ tình dục bình thường trong khi thực tế là không. Các tác giả đã kết luận, “Bằng cách này, nam giới có thể duy trì hình ảnh nam tính trước mọi người phù hợp với hình ảnh mà họ muốn người khác nhớ đến”, đây cũng là một phát hiện nổi bật về tác động mạnh mẽ và đôi khi hạn chế của xã hội hóa giới đến cuộc sống của từng cá nhân.
Chuẩn mực giới tính không chỉ ảnh hưởng độc lập đến kết quả sức khỏe tình dục mà còn có thể làm giảm chất lượng bộ số liệu mà các nhà nghiên cứu thu thập bằng cách xác định điều mà người tham gia thuật lại trong các nghiên cứu. Trong một nghiên cứu phỏng vấn ý thức được thiết kế để đánh giá cách người trả lời giải thích ý nghĩa của các mục đo lường, McCabe et al. (2009) nhận thấy rằng câu trả lời của những người tham gia đối với các câu hỏi về tình dục thường tuân theo các chuẩn mực giới tính mặc dù những mô tả cá nhân của họ về các mối quan hệ và trải nghiệm tình dục thường mâu thuẫn với các chuẩn mực giới tính đó. Nói cách khác, có một lực cản mạnh mẽ để những người tham gia chứng thực các chuẩn mực giới tính truyền thống cho cả bản thân và bạn tình của họ khi được hỏi về giới tính và tình dục trong bộ câu hỏi nghiên cứu.
Khi yêu cầu những người tham gia gợi lại chất lượng, tần suất hoặc đánh giá về các trải nghiệm hoặc mối quan hệ tình dục của họ, các nhà nghiên cứu thường quên rằng những phản hồi này bị ảnh hưởng nhiều bởi các chuẩn mực xã hội. Ví dụ, trong một nghiên cứu thử nghiệm kiểm tra xem các điều kiện nghiên cứu ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ trải nghiệm và thái độ tình dục được báo cáo của nam giới và phụ nữ, các nhà điều tra đã kiểm tra cách trả lời các câu hỏi về tình dục khác nhau như thế nào trong ba hoàn cảnh (Alexander & Fisher, 2003). Ở hoàn cảnh đầu tiên, những người được hỏi tin rằng câu trả lời của họ là ẩn danh; trong hoàn cảnh thứ hai, những người được hỏi tin rằng câu trả lời của họ có thể được đồng nghiệp nhìn thấy; và trong hoàn cảnh thứ ba, những người được hỏi đã trả lời trong khi họ được theo dõi bởi máy phát hiện nói dối “không hoạt động” (được gọi là phương pháp borgus pipeline). Với mỗi mức độ tiếp xúc, phản ứng của phụ nữ khác nhau nhiều hơn nam giới. Ví dụ, nhiều phụ nữ cho biết đã thủ dâm và xem phim khiêu dâm khi được gắn vào máy phát hiện nói dối giả nhiều hơn khi trả lời ẩn danh. Các tác giả kết luận rằng “báo cáo về sự khác biệt tình dục dựa trên các bản tự khai có thể phản ánh sự phù hợp với các kỳ vọng chuẩn mực đối với cả hai giới hơn là sự khác biệt thực tế về hành vi”. Các nghiên cứu đã nhân rộng những phát hiện này, làm rõ thách thức liên quan đến việc thiết kế các nghiên cứu mà trong đó, ưu tiên trải nghiệm của từng cá nhân thông qua việc sử dụng các biện pháp tự báo cáo và cùng lúc giải thích vai trò chuẩn mực xã hội (thường là vô thức) để người tham gia có thể thoải mái thể hiện các khía cạnh kinh nghiệm và hành vi tình dục của mình.
Việc tính đến nhiều yếu tố phức tạp này không phải là một nhiệm vụ đơn giản hay dễ dàng. Đầu tiên, chất lượng cuộc sống tình dục nên được đánh giá độc lập giữa nam và nữ. Trải nghiệm tình dục là những trải nghiệm khác biệt đối với hai giới cả về mặt sinh lý và xã hội, không giống như sự khó khăn. Việc bỏ qua các yếu tố giới tính cơ bản của tính dục có nghĩa là tăng nguy cơ làm cho thiết kế nghiên cứu không rõ ràng và bỏ sót các yếu tố quan trọng trong cuộc sống của bệnh nhân. Như vậy, sử dụng phương pháp đánh giá dành riêng cho mỗi giới hoặc thay đổi mục cho phù hợp là cần thiết để khai thác những trải nghiệm về chất lượng cuộc sống tình dục cho nam giới và nữ giới trong mỗi quần thể.
Thứ hai, thang đo chất lượng cuộc sống tình dục nên đo lường các chuẩn mực về giới. Như Range và Jenkins (2010) đã lập luận trong phân tích toàn diện của họ về lý thuyết giới: “Nếu và khi sự khác biệt về giới xảy ra, thì cơ chế có thể không phải là giới tính sinh học, mà thay vào đó là một hoặc nhiều mối tương quan về xã hội hoặc tâm lý, chẳng hạn như lược đồ về giới có thể tác động trung gian hoặc điều hòa nếu quy kết với giới tính sinh học”. Nhiều công cụ đo lường đã được phát triển trong nhiều lĩnh vực sử dụng cho các mẫu khác nhau có thể dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với nghiên cứu trong các quần thể bị bệnh. Các thang đo này bao gồm thang đo tư tưởng về giới (Levant & Richmond, 2007; Levant, Richmond, Cook, House, & Aupont, 2007; Thompson & Pleck, 1986; Tolman & Porche, 2000), các thang đo quan niệm của bản thân về tình dục (Rostosky, Dekhtyar, Cupp, & Anderman, 2008), và các thang đo về tính chủ quan của tình dục (Horne & Zimmer-Gembeck, 2006).
Kiểm định tính chủ quan về tình dục của phụ nữ (The Female Sexual Subjectivity Inventory- FSSI) là một ví dụ điển hình về thang đo được phát triển để đánh giá mối liên quan giữa tình dục và giới tính. Tính chủ quan về tình dục là nhận thức về khoái cảm cơ thể và các trải nghiệm được làm tình, là một khái niệm có liên quan đến mọi lứa tuổi, giới tính cũng như sức khỏe chung và bệnh tật. Các mục bao gồm "Tôi nghĩ rằng thật quan trọng khi bạn tình quan tâm đến sự thỏa mãn tình dục của mình" và "Hành vi và trải nghiệm tình dục của tôi là thứ mà tôi phải mất thời gian để nghĩ đến." Những thang đo đánh giá quan niệm về giới tính sẽ cho phép các nhà điều tra hiểu được những người tham gia nghiên cứu đã hình thành các chuẩn mực xã hội và tình dục như thế nào và những chuẩn mực này ảnh hưởng như thế nào đến thái độ và niềm tin về tình dục. Chúng có thể được sử dụng như các thông số tiềm năng, cho phép các nhà nghiên cứu hiểu được vai trò của xã hội hóa giới khi nó tác động với kết quả chất lượng đời sống tình dục (SQoL).
2. ƯỚC LƯỢNG ĐẶC ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG KHI ĐÁNH GIÁ SỰ KHÁC BIỆT CỦA NHÓM
Với bất kỳ chủ đề nào, khi đo lường khả năng đáp ứng tình dục và các đặc tính tình dục khác trong đời sống của một cá nhân, các nhà nghiên cứu phải quyết định phương pháp tốt nhất để triển khai nghiên cứu về vấn đề họ quan tâm. Khi các nhà tâm lý học sức khỏe đưa các mục chất lượng cuộc sống tình dục (SQoL) vào một nghiên cứu, họ thường quan tâm đến sự khác biệt của nhóm về các thuộc tính như giới tính, tuổi tác hoặc điều kiện thực nghiệm (như trong một thử nghiệm lâm sàng). Sự tương đồng về khái niệm đặc biệt quan trọng khi so sánh nhóm để đảm bảo rằng các cá thể được đánh giá có cùng một trải nghiệm như nhau (cảm giác cơ thể, đáp ứng của cơ quan sinh dục, cảm xúc,…). Trong thảo luận này, tác giả sử dụng giới tính để minh hoạ cho các vấn đề nảy sinh khi so sánh nhóm và khi thống kê các trải nghiệm tình dục có thể không tương đồng giữa nam và nữ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là tính tương đương có thể là vấn đề tranh cãi đối với tất cả các loại nghiên cứu điều tra so sánh nhóm. Xét về mặt thống kê các đặc điểm tâm lý, những lựa chọn mà chúng tôi đưa ra là những quyết định quan trọng nhất với tư cách là nhà nghiên cứu - và cũng là những lựa chọn khó khăn nhất.
Trong một báo cáo, các nhà nghiên cứu đánh giá chức năng tình dục thông qua quan sát hành vi, cho phép những người tham gia nghiên cứu tự mô tả về đáp ứng của cơ quan sinh dục của họ. Ví dụ, các yếu tố như đau khi giao hợp hoặc không duy trì được sự cương cứng được coi là các dạng trải nghiệm tình dục tương tự nhau ở hai giới cho phép các nhà nghiên cứu hiểu được các khía cạnh quan trọng của sức khỏe tình dục. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn các vấn đề của các đặc tính tương đồng, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Liệu khó cương dương, trải nghiệm mà chúng ta mất công tìm ra có giống (hoặc gần giống) với chứng giao hợp đau không khi mà tỉ lệ của chúng có thể được so sánh một cách hiệu quả? Có nhiều câu hỏi liên quan khá phù hợp như: Hai trải nghiệm vật lý tâm lý này có tương đương không? Những loại giả thuyết giả định nào được ngụ ý trong những trải nghiệm này? Xem xét kỹ hơn một phương pháp đo lường cụ thể trong điều trị hỗ trợ bệnh ung thư đại trực tràng, EORTC (CRC-38) bao gồm 5 mục đánh giá trực tiếp chất lượng cuộc sống tình dục. Trong đó ba mục liên quan đến sở thích tình dục, hoạt động và sự hài lòng ở cả hai giới và hai mục nhắm đến giới tính cụ thể: Nam giới được hỏi liệu họ có “khó khăn trong việc duy trì cương dương” và liệu họ có “gặp vấn đề với xuất tinh” hay không; phụ nữ được hỏi liệu họ có “bị khô âm đạo khi giao hợp” và có “đau khi giao hợp” hay không. Đặt ra vấn đề về các điểm tương đồng, ta nên xem xét khả năng duy trì sự cương cứng của nam giới và tỷ lệ đau của phụ nữ khi giao hợp có tương đương nhau hay không, đặc biệt khi chúng được so sánh trong kiểm định T-test để ghi lại sự khác biệt về giới tính.
Trên thực tế, tác giả cho rằng những đặc điểm nằm trong mục đặc trưng về giới tính không tương đồng nhau. Do đó, đây không phải là một cách hiệu quả để so sánh chức năng tình dục của nam và nữ. Nhận thức lịch sử về tình dục nam và nữ (và đặc biệt là định kiến gắn liền với tình dục nữ) từ lâu đã có trong các giả thuyết rằng đáp ứng tình dục của nam giới là chuẩn mực. Niềm tin ngầm này có thể thấy trong các tuyên bố của các nhà nghiên cứu như "Điểm cực khoái tương đương với khả năng giao hợp và xuất tinh ở nam giới không có sẵn ở phụ nữ". Do đó, các nhà nghiên cứu thường giới hạn đánh giá chức năng tình dục nữ trong các phép đo mức độ đau khi giao hợp (cũng như họ thường giới hạn việc đánh giá chức năng tình dục của nam giới đối với chức năng cương dương). Điều đó đã đưa đến kết luận trong định nghĩa về sức khỏe tình dục nữ là sự vắng mặt của chứng đau khi quan hệ và sức khỏe tình dục nam là có xuất hiện khoái cảm. Chính bằng cách kiểm tra những giả định không ổn định vốn có này trong các câu hỏi có cấu trúc tương đồng mà người ta có thể nhận thấy các thang đo đã trở nên thiếu nhất quán như thế nào.
Việc giải quyết các vấn đề về các cấu trúc tương đồng là không đơn giản. Với khuyến nghị được đưa ra trước đó về lợi ích của các mục đặc trưng cho giới khi đánh giá chất lượng cuộc sống tình dục, các nhà nghiên cứu muốn thực hiện so sánh nhóm phải đối mặt với một thách thức khó khăn. Bước đầu tiên là kiểm tra cách người tham gia hiểu và trải nghiệm các nội dung được hỏi. Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 2010 (Flynn và cộng sự), các nhà điều tra nhận thấy rằng khi họ hỏi những người tham gia ở các nhóm khác nhau (về giới tính, vị trí ung thư và giai đoạn ung thư) sức khỏe tình dục có ý nghĩa như thế nào đối với họ, họ nhận thấy rằng mặc dù bộ phận sinh dục rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất trong hoạt động tình dục. Một số người tham gia đã mở rộng khái niệm về tình dục bao gồm cả sự thân mật trong trường hợp không có bất kỳ hoạt động tình dục nào. Ví dụ, một người bị ung thư tuyến tiền liệt nói, "Chúng tôi không có quan hệ tình dục, nhưng chúng tôi ôm nhau và đi dạo và nắm tay,… theo cách này, chúng tôi như đang quan hệ tình dục mọi lúc ». Những phát hiện như vậy sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn phạm vi của các khái niệm mà những người tham gia đóng góp cho mô hình của hoạt động tình dục. Quan trọng hơn, loại câu hỏi nghiên cứu này cũng tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu sức khỏe tình dục được cung cấp thông tin một cách rộng rãi hơn về sự đa dạng trải nghiệm tình dục mà các cá nhân cho là có liên quan đến chất lượng cuộc sống tình dục của họ. Một khuyến nghị thứ hai là kiểm tra các giả định không chắc chắn khi so sánh nhóm, ví dụ, đảm bảo rằng các mục đo lường khoái cảm và đau đớn được so sánh với các mục tương tự khi đánh giá sức khỏe tình dục của nam và nữ giới.
3. HÌNH ẢNH CƠ THỂ ĐƯỢC XEM NHƯ MỘT YẾU TỐ QUAN TRỌNG CỦA CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG TÌNH DỤC
Bệnh tật và điều trị bệnh ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh cơ thể là một lĩnh vực nghiên cứu khá phổ biến, đặc biệt trong các báo cáo về phụ nữ và ảnh hưởng của bệnh tật đến cơ quan sinh dục như vú, tử cung, cổ tử cung hay buồng trứng. Tuy nhiên, hình ảnh cơ thể thường được định nghĩa và đánh giá tách biệt với chất lượng cuộc sống tình dục. Nói cách khác, hình ảnh cơ thể có thể được đánh giá nhưng không nhất thiết phải được phân tích cùng với những mục đo lường chức năng tình dục. Nghiên cứu về chức năng sinh dục nữ và ung thư vú đã không ngừng quan tâm đến vai trò của hình ảnh cơ thể; các nhà nghiên cứu không chỉ thường xuyên đưa vào các phép đo hình ảnh cơ thể mà còn phân tích dữ liệu hình ảnh cơ thể để tìm mối liên hệ của nó với chức năng tình dục.
Các nghiên cứu về mối liên quan giữa tình dục và hình ảnh cơ thể đã đưa ra nhiều kết luận thuyết phục, thách thức các giả định liên quan đến các thông số của chức năng tình dục. Ví dụ, Hendren và cộng sự (2005) đánh giá chức năng tình dục ở nhóm bệnh sau khi điều trị ung thư hậu môn trực tràng, mẫu nghiên cứu bao gồm cả nam và nữ. Kết quả cho thấy 22% nam giới và 18% nữ giới cảm thấy xấu hổ và e ngại về cơ thể của mình, không thực sự muốn quan hệ tình dục. Phát hiện này và những phát hiện khác tương tự đã nhấn mạnh rằng không chỉ phụ nữ quan tâm đến hình ảnh cơ thể cũng như ảnh hưởng của bệnh tật đến cơ quan sinh dục. Điều này thu hút đông đảo sự chú ý về mối liên kết tâm lý quan trọng giữa hình ảnh cơ thể và cảm xúc tình dục.
Trong một nghiên cứu nhóm tập trung về các giai đoạn khác nhau của bệnh ung thư và vị trí ung thư, mối quan tâm về hình ảnh cơ thể được đề cập đến ở mỗi nhóm trong số 16 nhóm trọng tâm. Ngoài ra, những lo ngại về hình ảnh cơ thể có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tình dục và sự thân mật với bạn tình. Những thay đổi quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục của họ được kể đến là sẹo, rụng tóc do xạ trị và tăng cân. Cảm giác hấp dẫn về mặt tình dục rất quan trọng đối với ham muốn của phụ nữ. Nam giới đã mô tả những tác động tiêu cực nghiêm trọng của việc tăng cân cũng như phải mang túi hậu môn nhân tạo đến hấp dẫn tình dục mà họ cảm nhận.
Các nhà nghiên cứu được khuyên nên đánh giá mối liên quan giữa hình ảnh cơ thể và tình dục. Khi làm như vậy, họ có thể bao gồm các chiến lược đo lường như điểm số hình ảnh cơ thể trong thang đo QoL hoặc tạo ra điểm số theo thành tố. Điểm số về hình ảnh cơ thể nên được sử dụng cho cả yếu tố dự báo và kết quả của chất lượng cuộc sống tình dục. Để làm được điều này, ta nên tránh những mục chung chung như "Bạn có cảm thấy kém hấp dẫn do mắc bệnh hoặc đang điều trị không?" hoặc "Bạn đã bao giờ không hài lòng với cơ thể của mình chưa?". Thay vào đó, cân nhắc sử dụng các dấu hiệu và phương pháp được trang bị để thu thập những cách mà bệnh nhân có thể hình dung về hình ảnh cơ thể (thường bị thay đổi) của họ về mặt tâm lý và sinh lý.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nên tránh các câu hỏi dễ liên kết hình ảnh cơ thể và sự nữ tính vì cách tiếp cận này có thể xác định quá mức những gì ta cần tìm hiểu về trải nghiệm hình ảnh cơ thể và hạnh phúc tình dục của nam giới. Phụ nữ thường được hỏi về sự nữ tính trong nghiên cứu ung thư vú, tuy nhiên quan tâm về sự tác động độc lập của nam tính hay nữ tính ở mỗi cá nhân ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống tình dục nên được mở rộng cho tất cả các bệnh lý và cả các nghiên cứu trên đối tượng nam giới. Khảo sát cơ chế về mối liên kết giữa hình ảnh cơ thể với chất lượng đời sống tình dục khá quan trọng, giải quyết các câu hỏi: Chất lượng cuộc sống tình dục được thúc đẩy bởi nhận thức về sự hấp dẫn của bản thân hay về sự hấp dẫn của bạn tình? Những đặc điểm liên quan nào giúp hỗ trợ trải nghiệm tích cực về hình ảnh cơ thể? Làm thế nào để đàn ông trải qua những thay đổi trên cơ thể của họ, đặc biệt là khi họ mắc bệnh mà thể chất là nổi bật? Các nghiên cứu định tính về phụ nữ bị ung thư vú đã xác định được nhiều vấn đề liên quan đến cơ thể và sự toàn vẹn của cơ thể. Wilmoth (2001) nhận thấy rằng những người tham gia mô tả sức khỏe tình dục của họ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu đi các cơ quan trên cơ thể do phẫu thuật; mất kinh và lão hóa; mất cảm giác tình dục, bao gồm kích thích và ham muốn tình dục; và cảm nhận nữ tính bị thay đổi. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo ra các định nghĩa về chất lượng cuộc sống tình dục và khả năng đáp ứng của cơ quan sinh dục gắn liền với đặc điểm tâm lý và sinh lý.
Các mục hỏi hướng đến mối liên hệ giữa hình ảnh cơ thể và chất lượng cuộc sống tình dục bao gồm các câu hỏi về mức độ thoải mái của người tham gia khi khỏa thân hoặc sự thích thú chung khi tiếp xúc cơ thể. Những mục này bao gồm "Tôi tránh tiếp xúc gần như ôm", "Tôi hài lòng với hình ảnh cơ thể của mình" và "Tôi cảm thấy rằng một phần cơ thể của tôi phải được giấu kín" (Bảng câu hỏi về hình ảnh cơ thể sau ung thư vú; Baxter et al., Năm 2006). Ngoài ra, các mục tiếp cận đánh giá của người tham gia về cách họ cảm nhận cơ thể của mình (ví dụ: “Tôi thích vẻ ngoài của mình”), được đo cùng với kết quả tình dục sẽ cho phép các nhà nghiên cứu hiểu được cơ chế tiềm năng liên kết cảm nhận về cơ thể của các cá nhân và cách suy nghĩ, hành vi và kết quả tình dục.
4. ĐÁNH GIÁ TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÌNH DỤC ĐỐI VỚI MỖI CÁ NHÂN
Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu đã tranh cãi rằng tình dục là một thành tố thiết yếu tạo nên chất lượng cuộc sống, tuy nhiên trải nghiệm và/hoặc cảm giác tình dục có thể có vai trò quan trọng khác nhau đối với mỗi người. Với ý tưởng này, các nhà nghiên cứu nên cân nhắc tổng hợp các phương pháp cho phép đánh giá mức độ quan trọng gắn với tình dục. Không phải tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm chức năng tình dục; ý kiến trên có thể là kết quả của một cá nhân có trải nghiệm tình dục không thỏa mãn hoặc đau đớn, cũng như kết quả của những thay đổi thể chất gây ra bởi tuổi già hoặc bệnh tật. Lindau et al. (2007) đã lưu ý rằng “phụ nữ dường như đánh giá tình dục như một phần không quan trọng trong cuộc sống và cho biết họ không đạt được khoái cảm với tình dục hơn nam giới. Thực tế cho thấy những mức độ đa dạng trong trải nghiệm tình dục của các cá nhân đã gợi ý rằng các nhà nghiên cứu nên xem xét các hoạt động, hành vi và tương tác tình dục trong bối cảnh của mỗi cá nhân. Việc không chú ý đến tầm quan trọng tổng thể với trải nghiệm tình dục, các nhà nghiên cứu có nguy cơ kết hợp việc thiếu hoạt động tình dục và rối loạn chức năng tình dục với nhau ở đối tượng nghiên cứu không có hoạt động tình dục hoặc không có ham muốn tình dục. Bằng cách bao hàm ý tưởng quan trọng, sẽ dễ dàng hơn để phân biệt động cơ của thiếu hoạt động tình dục hay thiếu ham muốn tình dục được báo cáo.
Tầm quan trọng về tình dục gần đây đã được phát triển trong những khuyến nghị về tình dục để đo lường mức độ đau khổ như một thành tố cần thiết để chẩn đoán mất chức năng tình dục. Bancroft và cộng sự (2003) đã tìm thấy rằng một bộ phận đáng kể phụ nữ trong mối quan hệ khác giới báo cáo mức độ rối loạn chức năng tình dục cao mà không xuất phát từ những rối loạn của họ. Một phát hiện tương tự cũng được báo cáo từ nghiên cứu về những người đàn ông được điều trị ung thư tuyến tiền liệt, mặc dù chức năng tình dục ở những người đàn ông này kém, « họ đã thích nghi với sự thay đổi này và không quá bận tâm về chức năng tình dục đặc biệt nếu họ tin vào việc điều trị ung thư ». Đưa ra những phát hiện này, vại trò quan trọng của tình dục và mối liên hệ tiềm ẩn của nó với sự phiền muộn và đau khổ rất đáng quan tâm.
Raphael, Rukholm, Brown, Hill-Bailey và Donato (1996) đã phát triển một bộ công cụ đánh giá chất lượng cuộc sống kết hợp giữa tầm quan trọng của cá nhân với mức độ hài lòng của đàn ông hoặc phụ nữ trong lĩnh vực tình dục. Mô hình này có tiềm năng to lớn để đo lường mối liên hệ hai chiều đó. Họ đã giải thích rằng, « Điểm quan trọng là giá trị có vai trò trong chuyển đổi điểm hài lòng thành điểm chất lượng cuộc sống ». Ví dụ: điểm hài lòng thấp được đánh giá bằng điểm quan trọng cao dẫn đến điểm chất lượng cuộc sống thấp. Loại đơn vị đo lường này sẽ cho phép các lĩnh vực riêng biệt trong chất lượng cuộc sống có tầm quan trọng khác nhau và cho phép đánh giá lĩnh vực nào, vào giai đoạn nào của bệnh tật là nổi bật trong đời sống của đối tượng.
Tương tự, Avis và đồng nghiệp đã phát triển một thang đo đánh giá nhận thức về tầm quan trọng cũng như sự hài lòng của chỉ số đa chiều về chất lượng cuộc sống. Tác giả đã mô tả các giai đoạn phát triển thang đo này, họ đã tạo ra điểm QoL được tính theo mức độ quan trọng của mỗi lĩnh vực trong QoL. Mặc dù nhóm tác giả nhận thấy rằng các thước đo điểm quan trọng không làm tăng độ chính xác của điểm hài lòng (sau đó đã bị loại khỏi phân tích), điểm quan trọng có thể chứa đựng nhiều giá trị hơn trong các nghiên cứu về lĩnh vực mà sự thay đổi của tâm quan trọng đã được chứng minh. Trong một nghiên cứu quốc gia, Waite, Laumann, Das và Schumm đã phát hiện ra rằng gần 24% phụ nữ trong độ tuổi từ 57-64 tuổi đã trả lời rằng « tình dục đối với họ không quan trọng chút nào ». Trong nghiên cứu này, tỷ lệ cho rằng tình dục không quan trọng lắm được báo cáo là tăng lên theo độ tuổi của người phụ nữ (cụ thể 34,9% ở tuổi 65-74; 52,3% ở tuổi 75-85). Ở nam giới, tỷ lệ này thấp hơn nhiều, dao động từ 6,2% ở tuổi 57-64 và 25,9% ở tuổi 75-85.
Waite và cộng sự đã không báo cáo về tình trạng sức khỏe chung của mẫu nghiên cứu của họ, tổng quan về đối tượng mắc bệnh lý không được thống kê. Tuy nhiên, những phát hiện này chứng minh rằng có sự khác biệt rất lớn trong cách mỗi cá nhân đánh giá tầm quan trọng của tình dục. Bao gồm các mục có thể đánh giá thái độ đối với tình dục, hành vi tình dục hoặc rộng hơn là suy nghĩ về tình dục có thể cung cấp tổng quan để thông qua đó phân tích các mục trong chất lượng cuộc sống tình dục khác như tần suất đạt cực khoái và đánh giá chức năng sinh dục. Dựa trên mô hình mà Avis và đồng nghiệp đã trình bày, các nhà nghiên cứu được khuyến khích tạo ra điểm quan trọng về lĩnh vực tình dục cho những cá nhân có điểm SQoL thấp và mức độ quan trọng của tình dục thấp. Các phân tích với điểm quan trọng có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về các cá nhân và nhóm đối tượng mà khác biệt với những đối tượng mà điểm SQoL thấp trong khi tầm quan trọng về tình dục đối với họ lại cao.
Điều quan trọng cần lưu ý là không nên nhầm lẫn dữ liệu phản ánh tầm quan trọng thấp của tình dục với mức độ yêu thích hoạt động tình dục của nam giới và phụ nữ hoặc ở đối tượng có xu hướng quan hệ tình dục nhiều hơn người khác. Thay vào đó, dữ liệu về mức độ quan trọng cho chúng ta hiểu hơn về chất lượng của trải nghiệm tình dục mà nam giới và nữ giới tưởng tượng khi được yêu cầu đánh giá tầm quan trọng tương đối về tình dục trong cuộc sống của họ. Tâm quan trọng thấp không nhất thiết là rối loạn chức năng tình dục, cũng không phải là kết quả « tự nhiên » hoặc do giới tính. Bởi vì căn nguyên của tình dục có thể phức tạp đối với một số cá nhân, các nhà nghiên cứu không chỉ nên khảo sát phạm vi của tầm quan trọng tình dục mà còn nên khảo sát cả về quá khứ hay truyền thống gia đình của những thái độ về tình dục này.
5. KHÔNG BỎ QUA DỮ LIỆU TỪ NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU "KHÔNG HOẠT ĐỘNG TÌNH DỤC"
Nhiều phép đo chức năng tình dục bao gồm bộ câu hỏi nhảy cho phép khảo sát những người tham gia xem họ có phải là bạn tình và/hoặc họ có quan hệ tình dục trong khoảng thời gian gần đây không. "Hoạt động tình dục" được đặc trưng cho các hành vi tình dục hơn là sự thân mật, sự tiếp xúc gần gũi và không hoạt động tình dục bao gồm mơ mộng, thủ dâm và tưởng tượng về tình dục. Chỉ trong một ví dụ về loại câu hỏi nhảy này, có thể thấy bỏ sót dữ liệu liên quan đến sức khỏe tình dục ở những đối tượng không hoạt động tình dục.
Các mục bị bỏ qua như vậy có thể giới hạn dữ liệu về chất lượng đời sống tình dục, chỉ có dữ liệu của những người vừa có bạn tình vừa có hoạt động tình dục gần đây. Quan trọng hơn, mẫu điều kiện này gây mất dữ liệu một cách không cần thiết. Trong một số trường hợp, các nhà nghiên cứu sẽ yêu cầu người tham gia ghi nhận lại những lý do không hoạt động tình dục như "quá mệt mỏi" hoặc "hiện tại không có bạn tình". Mặc dù những dữ liệu bổ sung này có thể làm sáng tỏ bối cảnh về các mối quan hệ của đối tượng nghiên cứu, song chúng vẫn chưa đánh giá đầy đủ về chất lượng cuộc sống tình dục của những cá nhân nằm ngoài nghiên cứu. Thậm chí, nghiên cứu có thể đặc biệt hạn chế đối với những người vẫn đang điều trị bệnh lý và đang thay đổi về ý tưởng hay hoạt động tình dục để phù hợp với tình trạng bệnh tật của họ. Việc chỉ hỏi về hành vi tình dục hoặc các hoạt động tình dục khiến cho nhà nghiên cứu ít cơ hội để hiểu cách bệnh nhân thích nghi với bệnh tật và ảnh hưởng của bệnh tật đối với cơ thể và bạn tình của họ.
Các nhà nghiên cứu được khuyến khích không giới hạn đối tượng nghiên cứu của họ, mặc dù loại câu hỏi nhảy này thường được sử dụng để đảm bảo rằng cỡ mẫu có chung những đặc điểm cơ bản, tuy nhiên, lượng thông tin bị mất là quá lớn. Bằng cách loại bỏ câu trả lời của những người không có quan hệ tình dục hoặc chưa có bạn tình tại thời điểm nghiên cứu, các nhà lâm sàng có nguy cơ bỏ lỡ các vấn đề quan trọng về tình dục. Như vậy, cần thu thập dữ liệu về SQoL mà người tham giai phải hoạt động tình dục nhưng vẫn hỏi về các hành vi tình dục của họ. Đánh giá bao gồm các mục hỏi về suy nghĩ hoặc tưởng tượng tình dục. Một gợi ý khác dành cho các chuyên gia là thu thập dữ liệu về động cơ tình dục (có nghĩa là họ muốn thủ dâm hay muốn quan hệ với bạn tình), cũng như các rào cản về tâm lý, sinh lý hoặc các mối quan hệ (ví dụ như: sức khỏe kém của bạn tình hay vì bản thân họ quá mệt mỏi). Những mục mở rộng tiềm năng này đưa các mẫu nghiên cứu vào SQoL nhưng cũng cho phép điều tra một loạt các yếu tố khác khi các cá nhân được yêu cầu phản ánh chất lượng đời sống tình dục của họ.
6. MỞ RỘNG PHẠM VI YÊU CẦU THĂM KHÁM VỀ HÀNH VI TÌNH DỤC TRÊN ĐỐI TƯỢNG CHƯA CÓ BẠN TÌNH
Nói một cách đơn giản, các cá nhân chưa có bạn tình vẫn gặp phải các vấn đề về chất lượng đời sống tình dục. Khi đánh giá SQoL, các nhà nghiên cứu đồng thời bỏ qua các trải nghiệm tình dục ở đối tượng chưa có bạn tình nếu các chỉ hỏi về giao hợp hoặc yêu cầu đối tượng này bỏ qua các câu hỏi liên quan đến tình dục. Ngoài việc giữ lại những đối tượng này trong mẫu nghiên cứu, các tác giả cũng nên xem xét chất lượng tình dục của họ. Mặc dù nhiều báo cáo cho thấy rằng tình dục là một hoạt động song phương, tuy nhiên trên thực tế, sự hình thành và phát triển tính dục của mỗi người vẫn diễn ra bất kể họ có bạn tình hay không. Nghiên cứu về tình dục trong bệnh tật nên cho phép đánh giá SQoL trên một loạt các biểu hiện tình dục khi một mình, với bạn tình thông thường hoặc với nhiều bạn tình.
Bằng cách đồng hợp các đánh giá về chức năng tình dục với tình trạng quan hệ cá nhân, các nhà nghiên cứu có thể không nắm bắt được chính xác các hành vi tình dục thiếu vắng bạn tình, đặc biệt ở độ tuổi lớn, những người có nguy cơ cao mắc bệnh lý mạn tính. Ví dụ, trong một nghiên cứu về tỷ lệ thủ dâm, kết quả cho thấy, ở phụ nữ, tỷ lệ này dao động từ 31,6% trong nhóm trẻ tuổi (từ 57-64 tuổi) và 16,4% trong nhóm 75-85 tuổi. Đối với nam giới, tỷ lệ này là 63,4% ở nhóm 57-64 tuổi và 27,9% ở nhóm 75-85 tuổi. Những số liệu này cho thấy rằng mặc dù tần suất thủ dâm giảm dần theo độ tuổi, nhưng nó không biến mất mà vẫn ở mức độ cao.
Các hành vi tình dục thiếu vắng bạn tình cũng có thể là dấu hiệu quan trọng ở những bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi hoặc đang điều trị bệnh. Cảm xúc hay hành vi tình dục khi ở một mình có thể là dấu hiệu sớm cho thấy sự xuất hiện trở lại của cảm xúc tình dục, như sau phẫu thuật điều trị. Chúng có thể là yếu tố quan trọng đối với can thiệp lâm sàng, không yêu cầu bệnh nhân phải đối mặt với các vấn đề như giảm sự hấp dẫn với bạn tình, thiếu đi phản ứng tình dục đầy đủ hay sức khỏe còn hạn chế do bệnh lý hoặc do điều trị.
7. XEM XÉT ĐÁNH GIÁ TÌNH DỤC KHÔNG CẦN GIAO HỢP
Ngoài việc mở rộng các định nghĩa về tình dục để bao gồm thủ dâm và các hành vi tình dục thiếu vắng bạn tình khác, cũng cần mở rộng các định nghĩa để bao hàm những hành vi tình dục không giới hạn bởi giao hợp truyền thống (âm đạo – dương vật). Chức năng tình dục chỉ là một khía cạnh của tình dục và sự thân mật, nhưng tình dục thường được đánh đồng đơn lẻ và được đo lường như là quan hệ tình dục. Một trong những xu hướng phổ biến nhất trong lĩnh vực này là sử dụng quan hệ tình dục khác giới làm tiêu chuẩn chính cho chức năng tình dục. Đơn cử như bộ công cụ FSFI – tiêu chuẩn vàng hiện tại để đánh giá chức năng tình dục ở nữ bao gồm 3 mục về sự thâm nhập trong âm đạo và 4 mục về sự bôi trơn âm đạo, đây là một phản ứng sinh lý được đánh giá khả năng quan hệ tình dục bằng cách truyển thống. Sự kết hợp khái niệm về tình dục, giao hợp âm đạo và chức năng tình dục dẫn đến ít hiểu biết hơn về phạm vi hành vi tình dục mà những người tham gia thực hiện, cũng như hạn chế khả năng khái quát các kết quả nghiên cứu trên những người không có quan hệ tình dục và/hoặc không quan hệ tình dục khác giới.
Lindau và cộng sự (2007) đã tìm ra một loạt các hoạt động tình dục được báo cáo trong nghiên cứu của họ ở những người lớn tuổi từ 57-85 tại Hoa Kỳ. Nam giới và nữ giới cho biết tỷ lệ quan hệ tình dục đường miệng và thủ dâm cao trong năm trước đó, cụ thể là trong nghiên cứu, 58% nhóm 57-64 tuổi và 31% nhóm 75-85 tuổi cho biết đã thực hiện quan hệ tình dục bằng miệng. Tỷ lệ quan hệ tình dục ngoài giao hợp âm đạo – dương vật này là một dấu hiệu giúp cảnh báo các nhà nghiên cứu không nên chỉ tập trung vào khai thác thông tin về tình dục truyền thống. Mặc dù không phải tất cả đối tượng nghiên cứu đều mắc bệnh, song khoảng ¼ trường hợp được đánh giá sức khỏe toàn trạng ở mức trung bình hoặc kém. Khoảng ½ người tham gia báo cáo về tình trạng viêm khớp, đái tháo đường và tăng huyết áp, cho thấy rằng dữ liệu từ nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà lâm sàng nghiên cứu về dịch tễ học bệnh tật và dân số.
Mansfield, Koch và Voda (1998) đã nhận thấy rằng 1/5 phụ nữ tuổi trung niên cho biết tình trạng gia tăng ham muốn tình dục sơ khai như động tác âu yếm, ôm, hôn,… Điều này không có nghĩa là phụ nữ muốn tránh giao hợp, thay vào đó, những đối tượng này cho thấy họ tăng khả năng đáp ứng với các kích thích trong màn dạo đầu hoặc tăng khả năng đạt cực khoái dễ dàng hơn. Điều đó cho thấy phụ nữ có thể thích thú khi quan hệ tình dục không xâm nhập, và phát hiện này đã được củng cố qua nhiều năm bởi nhiều nghiên cứu tương đương. Ví dụ, trong nghiên cứu trên phụ nữ Mỹ gốc Phi trên 60 tuổi, họ thể hiện nhiều hứng thú và khoái cảm từ các hành vi tình dục khác hơn là giao hợp truyền thống. Các nghiên cứu cũng liên tục chỉ ra rằng triệu chứng khô âm đạo do mãn kinh là một yếu tố quan trọng trong rối loạn cực khoái, vì khô âm đạo và đau khi giao hợp xâm nhập là hậu quả thường gặp của nhiều loại thuốc và phẫu thuật, và là triệu chứng mãn kinh phổ biến. Do vậy, việc xem xét biểu hiện tình dục không xâm nhập là quan trọng khi đo lường chất lượng đời sống tình dục.
Cuối cùng, Barsky, Friedman và Rosen (2006) đã mô tả tầm quan trọng của tính linh hoạt khi đối mặt với các rối loạn chưc năng tình dục kéo dài. Nhóm tác giả đã lập luận rằng những bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính có thể thích ứng tốt nhất bằng cách thay đổi nhận thức và hành vi của họ về hoạt động tình dục. Họ có thể chuyển từ giao hợp xâm nhập – một phương pháp đã từng được xem là duy nhất để thân mật với bạn tình, sang quan hệ tình dục bằng miệng. Điều này cần được đề cập đến trong các phương pháp đánh giá chức năng tình dục bên cạnh khả năng cương dương, xuất tinh ở nam giới và tình trạng khô âm đạo, đau khi giao hợp ở nữ giới. Các nhà nghiên cứu đã tranh luận rằng những quan điểm truyền thống về tình dục như sự cương cứng của dương vật ngoài âm đạo thường được quan tâm nhiều hơn, điều đó vô hình chung đã khiến người đàn ông và bạn tình của họ quan tâm nhiều hơn đến chức năng của dương vật mà không phải là khoái cảm dương vật đạt được. Quan trọng hơn thế, sự tập trung vào khía cạnh này có thể che khuất các khía cạnh khác của hành vi tình dục ở nam giới như giảm ham muốn hay ít động lực tình dục. Từ tất cả những lý do trên, các nhà nghiên cứu nên xem xét hành vi tình dục trong phạm vi rộng nhất có thể mà không giới hạn bởi giao hợp xâm nhập. Định nghĩa mở rộng này không chỉ đối với nam giới và nữ giới không tham gia quan hệ tình dục khác giới mà còn phản ánh tốt hơn hành vi tình dục của mỗi cá nhân trong cuộc đời của họ.
8. TRÁNH CÁC LỖI PHÂN BỐ XẢY RA KHI KHÔNG ĐÁNH GIÁ SỨC KHỎE TÌNH DỤC TRƯỚC KHI MẮC BỆNH
Vì chẩn đoán một bệnh lý nghiêm trọng thường đột ngột và không thể đoán trước, rất ít nghiên cứu có thể đánh giá mức độ, chức năng, tầm quan trọng và sự thất vọng của hoạt động tình dục trước khi mắc bệnh. Kết quả là các nhà nghiên cứu thường chỉ cho rằng việc thiếu hoạt động tình dục hoặc rối loạn chức năng tình dục sau khi chẩn đoán bệnh lý là do tình trạng bệnh mà không có dữ liệu rõ ràng về sự thay đổi hoạt động tình dục theo thời gian.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đã đánh giá tình trạng sức khỏe tình dục sớm hơn một khoảng thời gian sau khi đã chẩn đoán bệnh hoặc khi điều trị đã bắt đầu. Mặc dù có nhiều vấn đề với cách tiếp cận này, ngay cả dữ liệu hồi cứu cũng có thể đóng góp những thông tin quan trọng. Các mục yêu cầu đối tượng nghiên cứu báo cáo về đời sống tình dục của họ trước khi bị bệnh cho phép đánh giá những thay đổi nhận thức về tình dục sau khi chẩn đoán. Mặc dù những nhận thức này có thể còn thiếu sót, nhưng chúng cho phép đánh giá những thay đổi thay vì cứ cho rằng sức khỏe và chức năng tình dục là bình thường trước khi mắc bệnh. Cách tiếp cận này là cần thiết nếu các nhà nghiên cứu muốn tránh quy kết sai lầm về tình trạng giảm sút về chất lượng tình dục là do bệnh tật trong khi giảm tần suất hoặc không quan hệ đã xảy ra từ trước khi bị bệnh. Dennerstein và Lehert (2004) đã nhận thấy rằng khi đánh giá mức độ chức năng tình dục của phụ nữ trung niên “chức năng tình dục trước khi phát bệnh tác động chính và thiết yếu hơn so với các yếu tố khác”, bao gồm cả sự thay đổi về tình trạng của bạn tình và tình cảm giữa hai người.
Vấn đề thu thấp dữ liệu hồi cứu, so sánh “trước phẫu thuật” và “sau phẫu thuật” là bước tiềm năng đầu tiên, song không phải là lý tưởng. Hendren và cộng sự (2005) đã đánh giá hồi cứu rối loạn chức năng tình dục ở cả nam và nữ sau điều trị ung thư trực tràng. Vì các nhóm nghiên cứu đã loại trừ những trường hợp không hoạt động tình dục hoặc đã có rối loạn chức năng tình dục trước đó, do vậy kết quả có giá trị khi thực hiện phép so sánh về phương pháp phẫu thuật và về sự thay đổi hoạt động tình dục trước và sau phẫu thuật. Trên thực tế, 35% nam giới và 47% nữ giới cho biết họ từng gặp các vấn đề về tình dục trước khi điều trị ung thư. Đồng thời, khi điều tra những tác động của phẫu thuật, đo lường rối loạn chức năng tình dục trước phẫu thuật cho phép loại trừ những đối tượng đã có tiền sử rối loạn, từ đó xác định những ảnh hưởng cụ thể hơn của việc điều trị ung thư lên chức năng tình dục.
Các nhà nghiên cứu được khuyến khích sử dụng các phương pháp đã được chuẩn hóa để đánh giá chất lượng đời sống tình dục bao gồm cả những mục phản ánh cụ thể vai trò của bệnh tật. Điều này không chỉ cần thiết giúp loại bỏ những rối loạn chức năng tình dục trước khi mắc bệnh mà còn giúp loại bỏ ảnh hưởng tiềm ẩn của bệnh tật từ bạn tình hoặc bệnh tật của chính đối tượng. Thang đo Điều chỉnh Tâm lý xã hội đối với Bệnh tật (PAIS – Psychosocial Adjustment to Illness Scale, 1983) được thiết kế để đánh giá những thay đổi do bệnh tật. Một mục trong thang đo về chức năng tình dục chứa 6 câu hỏi yêu cầu người tham gia phản ánh về những thay đổi trong sở thích, sự hài lòng về tình dục và mối quan hệ với bạn tình kể từ khi họ mắc bệnh. Ví dụ: “Thỉnh thoảng, khi bị bệnh, họ cảm thấy mất hứng thú với hoạt động tình dục. Bạn có bị như vậy không?” Một nghiên cứu cắt ngang với cỡ mẫu nhỏ trên bệnh nhân suy tim mức độ nặng đã sử dụng PAIS cho thấy ¼ đối tượng báo cáo họ ít hoặc không thay đổi về tần suất quan hệ tình dục, ½ báo cáo có những thay đổi không đáng kể về mức độ thỏa mãn tình dục kể từ khi mắc bệnh. Để phân biệt những ảnh hưởng của bệnh tật kèm hoặc không kèm điều trị với chất lượng cuộc sống tình dục hiện tại, các nhà nghiên cứu có thể tổng hợp các phương pháp đo lường nhằm phản ánh những thay đổi hành vi tình dục mà bệnh nhân tự nhận thấy.
9. ĐÁNH GIÁ NHU CẦU VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỜI SỐNG TÌNH DỤC THEO THỜI GIAN
Nghiên cứu vai trò của thời gian và sự thay đổi theo thời gian đối với chất lượng đời sống tình dục là rất cần thiết và vẫn chưa được hiểu rõ. Sự thay đổi ở những người mắc bệnh theo thời gian thậm chí nổi bật hơn. Câu hỏi được quan tâm là: “Khi nào thì chức năng tình dục trở lại bình thường?” “Chất lượng đời sống tình dục có đi trước thú vui tình dục hay không?” và “Nếu có, thì nó ở dưới những điều kiện gì và có dạng như thế nào?” Hầu hết các nghiên cứu đã xem xét các khoảng thời gian tương đối ngắn sau khi được chẩn đoán và điều trị bệnh. Kết quả là, sự phục hồi của cơ thể và tâm lý không được hiểu rõ. Các câu hỏi nghiên cứu khảo sát những thay đổi theo thời gian vừa yêu cầu thiết kế nghiên cứu dọc vừa cần có các phương tiện có độ nhạy cao để phát hiện các chỉ số SQoL sớm, gồm kinh nghiệm về tình dục, thủ dâm, suy nghĩ và dự đoán các hoạt động tình dục. Andersen và cộng sự đã khảo sát ảnh hưởng của nhận định về tình dục ở phụ nữ bị ung thư phụ khoa và nhận thấy rằng những tư tưởng tích cực dự đoán tỷ lệ đáp ứng tình dục cao hơn về cả ham muốn, hưng phấn, cực khoái và tái giải quyết. Một nghiên cứu khác của Andersen đã gợi ý rằng những người có tư tưởng tích cực có khả năng thích nghi tốt hơn với bệnh tật và chủ động có những thay đổi cần thiết về nhận thức và hành vi tình dục của chính họ để khoái cảm xuất hiện trở lại.
Các nhà nghiên cứu được khuyến khích sử dụng thiết kế nghiên cứu theo chiều dọc để đo lường chất lượng cuộc sống tình dục, nhưng quan trọng hơn, để đánh giá sự tái thiết lập về SQoL còn cần đánh giá cả sự tái lập cảm xúc, tưởng tượng tình dục kèm hoặc không kèm theo hành vi tình dục bên cạnh chức năng tình dục. Thước đo để đánh giá những thay đổi tinh vi hơn trong chất lượng cuộc lượng cuộc sống tình dục theo thời gian và Bảng câu hỏi ngắn về Trải nghiệm bản thân (Short Personal Experiences Questionnaire). Có mục là “Ước tính về số lần bạn có suy nghĩa tình dục hoặc sở thích tình dục trong tháng trước”. Việc đánh giá suy nghĩ tình dục này có thể dễ tiếp cận hơn đối với bệnh nhân ở giai đoạn đầu của quá trình phụ hồi hơn là đánh giá về ham muốn tình dục, được coi là liên quan chặt chẽ đến hoạt động tình dục. Những lo lắng về dự đoán và/hoặc đương đầu với những thay đổi tình dục do hậu quả bệnh tật có thể thuyên giảm khi họ nhận thấy rằng việc tiếp tục hoạt động tình dục không phải là mốc duy nhất để được xem là khỏe mạnh. Các mốc về đặc điểm và cảm xúc tình dục sớm hơn và tinh tế hơn có thể mang lại cảm giác thoải mái và tín hiệu hồi phục hoặc thích nghi với bệnh tật.
Ngoài việc tổng hợp các phương pháp đánh giá chất lượng đời sống tình dục tái xuất hiện sớm, các nhà nghiên cứu cũng được khuyến khích tổng hợp các phương pháp đo lường lặp lại theo thời gian, bao gồm sự thay đổi mà mỗi cá nhân đã trải qua. Một điều cần lưu ý được đề cập trong khuyến nghị là khi thiết kế nghiên cứu dọc, cần phải xem xét kỹ lưỡng về định nghĩa được sử dụng để xác định thời điểm “tiếp tục hoạt động tình dục”. Sự giới hạn định nghĩa về quan hệ tình dục đã nêu ở trên có thể dẫn đến mất dữ liệu về sự đa dạng trong đời sống tình dục của mỗi cá nhân, từ suy nghĩ đến các mối quan hệ của họ, đặc biệt với đối tượng đang thích nghi hoặc đang hồi phục sau bệnh tật.
10. ĐÁNH GIÁ VỀ MẶT TÂM LÝ CỦA CHẤT LƯỢNG ĐỜI SỐNG TÌNH DỤC
Như đã thảo luận, chất lượng cuộc sống liên quan đến tình dục nhiều hơn là phản ứng của cơ quan sinh dục. Có nhiều trường hợp mà trong đó chất lượng cuộc sống thăng hoa, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là sức khỏe tâm lý và sự hạnh phúc của cả nhân. Andersen là một trong những nhà tâm lý học đầu tiên phát hiện ra rằng ý nghĩ tiêu cực có thể dự đoán tỷ lệ mắc rối loạn tình dục sau chẩn đoán và điều trị ung thư cao hơn so với những người có tư duy tích cực, và phát hiện này có sự tương đồng trong nhiều nghiên cứu ở hơn hai thập kỷ sau đó. Các mỗi tương quan về tâm lý có thể làm suy giảm chức năng tình dục do làm thay đổi nhận thức về bản thân. Lòng tự trọng của bệnh nhân có thể bị xói mòn bởi những thay đổi về thể chất do điều trị, mất thẩm mỹ và mất khả năng, giảm tần suất hoạt động tình dục sau khi mắc bệnh. Đổi lại, việc đánh giá về lòng tự trọng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng tình dục. Ngoài ra, căng thẳng và trầm cảm đã được chứng minh là có thể dự đoán tình trạng suy giảm phản ứng tình dục.
Nghiên cứu về mối liên quan tiêu cực giữa lo lắng và kết quả tình dục đã được tiến hành từ lâu và gần đây đã được khám phá. Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Kinsey đã liên tục tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các trạng thái tâm lý tiêu cực như trầm cảm và lo lắng với giảm hứng thú tình dục sau đó. Trạng thái tiêu cực có thể bị kích thích từ các sự kiện trong cuộc sống, những căng thẳng hằng ngày hay từ những suy nghĩ về nỗi đau, sự khó chịu, lo lắng khi lo sợ hình ảnh cơ thể bị thay đổi. Lindau và cộng sự đã phát hiện rằng lo lắng và né tránh là những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục của các bệnh nhân bị viêm khớp, đái tháo đường và tăng huyết áp. Phụ nữ mắc viêm khớp cho biết tỷ lệ lo lắng về hoạt động tình dục cao hơn đáng kể so với nam giới (tỷ lệ chênh là 1,26 ở phụ nữ so với 0,78 ở đàn ông), trong khi đó, điều ngược lại được tìm thấy ở nhóm bệnh đái tháo đường khi mà nam giới lo lắng hơn phụ nữ (tỷ lệ chênh là 1,20 ở nam so với 0,86 ở nữ). Trong nhóm tăng huyết áp, cả nam và nữ giới đều cho biết mức độ lo lắng về khả năng tình dục là tương đương. Những phát hiện này đã chứng minh vai trò của tâm lý đối với chất lượng cuộc sống tình dục. Tương tự, trong các khuyến nghị của Lue và cộng sự về nghiên cứu rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, họ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lo âu, trầm cảm và thậm chí lòng tự trọng. Vai trò tiềm ẩn của sự kỳ vọng hay thất vọng về tình dục cũng được nhấn mạnh là có thể ảnh hưởng đến thỏa mãn tình dục và mối quan hệ với bạn tình. Bao quát hơn, rõ rang là những trải nghiệm tâm lý tiêu cực, bao gồm nhưng không giới hạn bởi trầm cảm, lo lắng và tự ti có vai trò thiết yếu và biểu hiện rõ ràng hơn đối với chất lượng cuộc sống tình dục, đặc biệt ở đối tượng đang phục hồi hoặc đang tìm cách thích nghi với bệnh tật.
KẾT LUẬN
Chất lượng cuộc sống tình dục là một lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng trong mối quan hệ với bệnh tật. Vì vậy, cần xem xét kỹ càng về các vấn đề nghiên cứu như thiết kế, hiệu lực hay sử dụng những công cụ đo lường thích hợp. Định nghĩa và vai trò của chức năng tình dục hiện vẫn còn nhiều tranh cãi diễn tiến song song với sự phát triển của y tế lâm sàng và can thiệp nhằm điều trị những rối loạn tình dục ở cả nam và nữ, và đồng thời, các nhà tâm lý học sẽ phải đối diện với một loạt những vấn đề khó giải đáp như: Sức khỏe tình dục có giống như chức năng của bộ phận sinh dục không? Có thể đánh giá sức khỏe tình dục của đàn ông và phụ nữ chỉ bởi một yếu tố hay không? Có thang đo ngắn nào có thể được sử dụng trong các nghiên cứu giúp hiểu rõ về mối quan hệ giữa sức khỏe tình dục và sức khỏe tổng thể không? Hay Cách nào là tốt nhất để đánh giá các phương pháp can thiệp điều trị với mục đích cải thiện sức khỏe tình dục và mối quan hệ với bạn tình? 10 khuyến nghị được đề cập trong chương này cung cấp sự khởi đầu cho các nhà tâm lý học để điều hướng những vấn đề trên và giúp đưa ra lựa chọn hoặc điều chỉnh giải đáp cho phù hợp. Đồng thời, phát triển lĩnh vực này giúp các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu không chỉ đại diện cho sức khỏe của bệnh nhân mà còn chú ý đến những trải nghiệm tình dục đa dạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Aaronson, N. K., Ahmedzai, S., Bergman, B., Bullinger, M. Cull, A., Duez, N. J., … de Haes, J. C. (1993). The European organization for research and treatment of cancer QLQ-C30: A quality-of-life instrument for use in international clinical trials inoncology. Journal of the National Cancer Institute, 85(5), 365–476.
Addis, M. E., & Mahalik, J. R. (2003). Men, masculinity, and the contexts of help seeking. American Psychologist, 58, 5–14.
Alexander, M. G., & Fisher, T. D. (2003). Truth and consequences: Using the bogus pipeline to examine sex differences in self-reported sexuality. Journal of Sex Research, 40(1), 27–35.
American Psychiatric Association (APA). (1994). Diagnostic and statistical manual of mental disorders
(DSM-IV, 4th ed.). Washington, DC: American Psychiatric Press.
American Psychological Association (APA). (2000). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (DSM-IV-TR, 4thed.). Washington, DC: American Psychiatric Press.
Andersen, B. L. (1985). Sexual functioning morbidity among cancer survivors: Current status and future research directions.Cancer, 55(8), 1835–1842.
Andersen, B. L. (1999). Surviving cancer: The importance of sexual self-concept. Medical and Pediatric Oncology, 33(1), 15–23.
Andersen, B. L. (2002). Biobehavioral outcomes following psychological interventions for cancer patients. Journal ofConsulting and Clinical Psychology, 70(3), 590–610.
Andersen, B. L., & Cyranowski, J. M. (1994). Women’s sexual self schema. Journal of Personality and Social Psychology, 67, 1079–1100.
Andersen, B. L., Cyranowski, J. M., & Espindle, D. (1999). Men’s sexual self-schema. Journal of Personality and Social Psychology, 76(4), 645–661.
Andersen, B. L., & LeGrand, J. (1991). Body image for women: Conceptualization, assessment, and a test of its importance tosexual dysfunction and medical illness. Journal of Sex Research, 28(3), 457–478.
Andersen, B. L., Shelby, R., & Golden-Kreutz, D. (2007). RCT of a psychological intervention for patients with cancer: I.Mechanisms of change. Journal of Consulting and Clinical Psychology, 75(6), 927–938.
Andersen, B. L., Woods, X. A., & Copeland, L. J. (1997). Sexual self schema and sexual morbidity among gynecologic cancersurvivors. Journal of Consulting and Clinical Psychology, 65, 221–229.
Andersen, B. L., Woods, X. A., & Cyranowski, J. M. (1994). Sexual self-schema as a possible predictor of sexual problemsfollowing cancer treatment. Canadian Journal of Human Sexuality, 3, 165–170.
Arrington, R. Cofrancesco, J., & Wu, A. W. (2004). Questionnaires to measure sexual quality of life. Quality of Life Research, 13(10), 1643–1658.
Avis, N., Crawford, S., & Manuel, J. (2004). Psychosocial problems among younger women with breast cancer. Psycho-Oncology,13(5), 295–308.
Avis, N. E., Smith, K. W., Hambleton, R. K., Feldman, H. A, Selwyn, A., & Jacobs, A. (1996). Development of the multi-dimensional index of life quality (MILQ): A quality of life measure for cardiovascular disease. Medical Care, 34, 1102–1120.
Bancroft, J., & Janssen, E. (2000). The dual control model of male sexual response: A theoretical approach to centrally mediatederectile dysfunction. Neuroscience & Biobehavioral Reviews, 24(5), 571–579.
Bancroft, J., Loftus, J., & Long, J. S. (2003). Distress about sex: A national survey of women in heterosexual relationships.Archives of Sexual Behavior, 32, 193–208.
Banerjee, A. K. (1999). Sexual dysfunction after surgery for rectal cancer. Lancet, 353(9168), 1900–1902.
Barber, M. D., Visco, A. G., Wyman, J. F., Fantl, J. A., & Bump, R. C. (2002). Sexual function in women with urinary incontinenceand pelvic organ prolapse. Obstetrics and Gynecology, 99(2), 281–289.
Barsky, J. L., Friedman, M. A., & Rosen, R. C. (2006). Sexual dysfunction and chronic illness: The role of flex- ibility in coping. Journal of Sex & Marital Therapy, 32(3), 235–253.
Barton, D., Wilwerding, M., Carpenter, L., & Loprinzi, C. (2004). Libido as part of sexuality in female cancer survivors. Oncology Nursing Forum, 31(3), 599–607.
Basson, R. (2000). The female sexual response: A different model. Journal of Sex and Marital Therapy, 26, 51–65.
Basson, R. (2007). Sexuality in chronic illness: No longer ignored. Lancet, 369(9559), 350–352.
Basson, R., Leiblum, S., Brotto, L., Derogatis, L., Fourcroy, J., Fugl-Meyer, K., … Weijmar Schultz, W. C. (2004). Reviseddefinitions of women’s sexual dysfunction. Journal of Sex Medicine, 1, 40–48.
Basson, R., & Schultz, W. W. (2007). Sexual sequelae of general medical disorders
Lancet, 369(9559), 409–424.
Baxter, N. N., Goodwin, P. J., Mcleod, R. S., Dion, R., Devins, G., & Bombardier, C. (2006). Reliability and validity of the bodyimage after breast cancer questionnaire. Breast Journal, 12(3), 221–232.
Bay-Cheng, L. Y., & Eliseo-Arras, R. K. (2008). The making of unwanted sex: Gendered and neolib- eral norms in collegewomen’s unwanted sexual experiences. Journal of Sex Research, 45(4), 386–397.
Beck, A. T. (1967). Depression: Causes and treatment. Philadelphia, PA: University of Pennsylvania Press. Berman, L., Berman,J., Zierak, M. C., & Marley, C. (2002). Outcome measurement in sexual disorders (pp.273–287). In W. W. IsHak, T. Burt, & L. I.Sederer (Eds.), Outcome measurement in psychiatry: A critical review. Washington, DC: American Psychiatric Publishing.
Bhasin, S., Enzlin, P., Coviello, A., & Basson, R. (2007). Sexual dysfunction in men and women with endocrine disorders. Lancet,369(9561), 597–611.
Bockting, W. O., & Coleman, E. (Eds.). (2002). Masturbation as means of achieving sexual health. New York, NY: Haworth Press.
Bottomley, A. (2002). The cancer patient and quality of life. Oncologist, 7(2), 120–125.
Brady, M. J., Cella, D. F., Mo, F., Bonomi, A. E., Tulsky, D. S., Lloyd, S. R., … Shiomoto, G. (1997). Reliability and validity of the functional assessment of breast cancer therapy quality-of-life instrument. Journal of Clinical Oncology, 15, 974–986.
Brassil, D. F., & Keller, M. (2002). Female sexual dysfunction: Definitions, causes, and treatment. Urologic Nursing, 22(4), 237–244.
Britto, M. T., Rosenthal, S. L., & Taylor, J., & Passo, M. H. (2000). Improving rheumatologists’ screen- ing for alcohol useand sexual activity. Archives of Pediatric and Adolescent Medicine, 154(5), 478–483.
Bruner, D. W., & Boyd, C. P. (1999). Assessing women’s sexuality after cancer therapy: Checking assumptions with the focus group technique. Cancer Nursing, 22, 438–447.
Bruner, D. W., Scott, C. B., McGowan, D., Lawton, C., Hanks, G., Prestidge, B., … Asbell, S. (1998). The RTOG modified sexualadjustment questionnaire: Psychometric testing in the prostate cancer population. International Journal of Radiation Oncology, Biology, Physics, 42(1), 202.
Cella, D. F., Tulsky, D. S., & Gray, G., Sarafian, B., Linn, E., Bonomi, A., … Brannon, J. (1993). The func- tional assessment ofcancer therapy scale: development and validation of the general measure. Journal of Clinical Oncology, 11, 570–579.
Clayton, A. H., McGarvey, E. L., & Clavet, G. J. (1997). The changes in sexual functioning questionnaire (CSFQ): Development,reliability, and validity, Psychopharmacology Bulletin, 33(4), 731–745.
Clayton, A. H., & Ramamurthy, S. (2008). The impact of physical illness on sexual dysfunction. Advances in PsychosomaticMedicine, 29, 70–88.
Conway-Turner, K. (1992). Sex, intimacy and self esteem: The case of the African American older. Women & Aging, 4, 91–104.
Corona, G., Jannini, E. A., & Maggi, M. (2006). Inventories for male and female sexual dysfunctions.
International Journal of Impotence Research, 18, 236–250.
Crane, C. H., & Skibber, J. (2003). Preoperative chemoradiation for locally advanced rectal cancer: Rationale, technique, and results of treatment. Seminars in Surgical Oncology, 21(4), 265–70.
Cronbach, L. J., & Meehl, P. E. (1955). Construct validity in psychological tests. Psychological Bulletin, 52, 281–302.
Cull, A. (1992). The assessment of sexual function in cancer patients. European Journal of Cancer, 28A(10), 1680–1686.
Cyranowski, J. M., & Andersen, B. L. (2000). Evidence of self-schematic cognitive processing in women with differing sexualself-views. Journal of Social and Clinical Psychology, 19(4), 519–543.
Daker-White, G. (2002). Reliable and valid self-report outcomes measures in sexual (dys)function: A system- atic review.Archives of Sexual Behavior, 31(2), 197–209.
Das, A. (2007). Masturbation in the United States. Journal of Sex & Marital Therapy, 33(4), 301–317.
Dennerstein, L., Anderson-Hunt, M., & Dudley, E. (2002). Evaluation of a short scale to assess female sexual functioning. Journal of Sex and Marital Therapy, 28(5), 389–397.
Dennerstein, L., & Lehert, P. (2004). Modeling mid-aged women’s sexual functioning: A prospective, popula- tion-based study. Journal of Sex and Marital Therapy, 30(3), 173–183.
Derogatis, L. R. (1997). The Derogatis interview for sexual functioning (DISF/DISF-SR): An introductory report. Journal of Sex & Marital Therapy, 23(4), 291–304.
Derogatis L. R., & Lopez, M. C. (1983). PAIS and PAIS-SR scoring manual 1. Baltimore, MD: Johns Hopkins University, School of Medicine.
Derogatis, L. R., Rosen, R., Leiblum, S., Burnett, A., & Heiman, J. (2002). The female sexual distress scale (FSDS): Initial validation of a standardized scale for assessment of sexually related personal distress in women. Journal of Sex and MaritalTherapy, 28(4), 317–330.
Fenichel, O. (1945). The psychoanalytic theory of neurosis. New York, NY: W. W. Norton.
Fergus, K., Gray R., & Fitch, M. (2002). Sexual dysfunction and the preservation of manhood: Experiences of men with prostatecancer. Journal of Health Psychology, 7(3), 303–316.
Fisher, T. D. (2007). Sex of experimenter and social norm effects on reports of sexual behavior in young men and women.Archives of Sexual Behavior, 36(1), 89–100.
Fisher, T. D. (2009). The impact of socially conveyed norms on the reporting of sexual behavior and attitudes by men and women.Journal of Experimental Social Psychology, 45(3), 567–572.
Flynn, K. E., Jeffery, D. D., Keefe, F. J., Porter, L. S., Shelby, R. A., Fawzy, M. R., … Weinfurt, K. P. (2010). Sexual functioning along the cancer continuum: Focus group results from the Patient-Reported Outcomes Measurement Information System (PROMIS®). Psycho-Oncology. Advance online publica- tion. doi:10.1002/pon.1738
Fortune-Greeley, A. K., Flynn, K. E., Jeffery, D. D., Williams, M. S., Keefe, F. J., Reeve, B. B., … Weinfurt, K. P. (2009). Usingcognitive interviews to evaluate items for measuring sexual functioning across cancer populations: Improvements and remainingchallenges. Quality of Life Research, 18(8), 1085–1093.
Gamel, C., Hengeveld, M., & Davis, B. (2000). Informational needs about the effects of gynaecological cancer on sexuality: Areview of the literature. Journal of Clinical Nursing, 9, 678–688.
Ganz, P. A., Rowland, J. H., Desmond, K., Meyerowitz, B. E., & Wyatt, G. E. (1998). Life after breast can- cer: Understanding women’s health-related quality of life and sexual functioning. Journal of Clinical Oncology, 16, 501–514.
Gotay, C. C., & Muraoka, M. Y. (1998). Quality of life in long-term survivors of adult-onset cancers. Journal of the National Cancer Institute, 90(9), 656–667.
Havenga, K., Maas C. P., DeRuiter, M. C., Welvaart, K., & Trimbos, J. B. (2000). Avoiding long-term dis- turbance to bladder and sexual function in pelvic surgery, particularly with rectal cancer. Seminars in Surgical Oncology, 18(3), 235–243.
Heiman, J. R. (2002). Sexual dysfunctions: Overview of prevalence, etiological factors and treatments. Journal of Sex Research, 39, 73–78.
Helgeson, V., Snyder, P., & Seltman, H. (2004). Psychological and physical adjustment to breast cancer over 4 years: Identifying distinct trajectories of change. Health Psychology, 23(1), 3–15.
Hendren, S. K., O’Connor, B. I., Liu, M., Asano, T., Cohen, Z., Swallow, C. J., … McLeod, R. S. (2005). Prevalence of male and female sexual dysfunction is high following surgery for rectal cancer. Annals of Surgery, 242(2), 212–223.
Hordern, A. (1999). Sexuality in palliative care: Addressing the taboo subject. In S. Aranda & M. O’Connor (Eds.), Palliativecare nursing: A guide to practice (pp. 197–211). Melbourne, Australia: Ausmed.
Horne, S. G., & Zimmer-Gembeck, M. J. (2006). The female sexual subjectivity inventory: Development and validation of a multidimensional inventory for late adolescents and emerging adults. Psychology of Women Quarterly, 30(2), 125–138.
Impett, E. A., & Peplau, L. A. (2003). Sexual compliance: Gender, motivational, and relationship perspectives. Journal of SexResearch, 40(1), 87–100.
Inna, N., Phianmongkhol, Y., & Charoenkwan, K. (2009). Sexual function after loop electrosurgical excision procedure for cervical dysplasia. Journal of Sexual Medicine, 7(3), 1291–1297.
Jaarsma, T., Dracup, K., Walden, J., & Stevenson, L. W. (1996). Sexual function in patients with advanced heart failure. Heart and Lung: Journal of Acute and Critical Care, 25(4), 262–270.
Jeffery, D. D., Tzeng, J. P., Keefe, F. J., Porter, L. S., Hahn, E. A., & Flynn, K. E., … Weinfurt, K. P. (2009). Initial report of the cancer Patient-Reported Outcomes Measurement Information System (PROMIS) sexual function committee: Review of sexualfunction measures and domains used in oncology. Cancer, 115(6), 1142–1153.
Jensen, P. T., Groenvold, M., Klee, M. C., Thranov, I., Petersen, M. A., & Machin, D. (2003). Longitudinal study of sexualfunction and vaginal changes after radiotherapy for cervical cancer. International Journal of Radiation Oncology, 56(4), 937–949.
Jones, L. R. A. (2002). The use of validated questionnaires to assess female sexual dysfunction. World Journal of Urology, 20(2), 89–92.
Kaplan, H. S. (1974). The new sex therapy: Active treatment of sexual dysfunctions. New York, NY: Brunner/ Mazel.
Kaplan, H. S. (1979). Disorders of sex desire. New York: Brunner/Mazel.
Kaschak, E., & Tiefer, L. (Eds.). (2001). A new view of women’s sexual problems. New York, NY: Haworth Press.
Kiefer, A. K., & Sanchez, D. T. (2007). Scripting sexual passivity: A gender role perspective. Personal Relationships, 14, 269–290.
Killackey, M. A. (2000). Avoidance of female genital tract complications in relation to pelvic surgery for can- cer. Seminars in Surgical Oncology, 18(3), 229–234.
Kinsey, A. C., Pomeroy, W. B., & Martin, C. E. (1948). Sexual behavior in the human male. Bloomington, IA: Indiana University Press.
Kinsey, A. C., Pomeroy, W. B., Martin, C. E., & Gebhard, P. H. (1953). Sexual behavior in the human female. Bloomington, IA:Indiana University Press.
Lemieux, L., Kaiser, S., Pereira, J., & Meadows, L. M. (2004). Sexuality in palliative care: Patient perspectives. PalliativeMedicine, 18, 630–637.
Lenahan, P. M. (2004). Sexual health and chronic illness. Clinics in Family Practice, 6(4), 955–973.
Levant, R., & Richmond, K. (2007). A review of research on masculinity ideologies using the male role norms inventory. Journal of Men’s Studies, 15(2), 130–146.
Levant, R., Richmond, K., Cook, S., House, A. T., & Aupont, M. (2007). The femininity ideology scale: Factor structure, reliability,convergent and discriminant validity, and social contextual variation. Sex Roles, 57, 373–383.
Lindau, S. T., Schumm, L. P., Laumann, E. O., Levinson, W., O’Muircheartaigh, C. A., & Waite, L. J. (2007). A study of sexualityand health among older adults in the United States. New England Journal of Medicine, 357(8), 762–774.
Litwin, M. S., Hays, R. D., Fink, A., Ganz, P. A., Leake, B., & Brook, R. H. (1998). The UCLA prostate cancer index: Development, reliability, and validity of a health-related quality of life measure. Medical Care, 36, 1002.
Lucas, T., & Parkhill, M. R. (2009). Strategic impression management: Audience sex and response anonym- ity affect sex differences in perceived extra-pair paternity. Journal of Evolutionary Psychology, 7(1), 49–63.
Lue, T. F., Guiliano, F., Montorsi, F., Rosen, R. C., Andersson, K. E., Althof, S., … Wagner, G. (2004). Summary of the recommendations on sexual dysfunctions in men. Journal of Sexual Medicine, 1(1), 6–23.
Lund-Nielsen, B. (2005). Malignant wounds in women with breast cancer: Feminine and sexual perspectives. Journal of ClinicalNursing, 14(1), 56–64.
Lykins, A. D., Janssen, E., & Graham, C. A. (2006). The relationship between negative mood and sexuality in heterosexual college women and men. Journal of Sex Research, 43, 136–143.
Machado, A., & Silva, F. J. (2007). Toward a richer view of the scientific method: The role of conceptual analy- sis. American Psychologist, 62(7), 671–681.
Majerovitz, S. D., & Revenson, T. A. (1994). Sexuality and rheumatic disease the significance of gender.
Arthritis Care and Research, 7(1), 29–34.
Maliski, S. L., Rivera, S., Connor, S., Lopez, G., & Litwin, M. S. (2008). Renegotiating masculine identity after prostate cancer treatment. Qualitative Health Research, 18, 1609.
Manderson, L. (1999). Gender, normality and the post-surgical body. Anthropology & Medicine, 6(3), 381–394.
Mansfield, P. K., Koch, P. B., & Voda, A. M. (1998). Qualities midlife women desire in their sexual relation- ships and theirchanging sexual response. Psychology of Women Quarterly, 22, 285–303.
Marriott, C., & Thompson, A. R. (2008). Managing threats to femininity: Personal and interpersonal experience of living with vulval pain. Psychology & Health, 23(2), 243–258.
Masters, W. H., & Johnson, V. E. (1966). Human sexual response. Toronto, Quebec, Canada: Bantam Books. Masters, W. H., &Johnson, V. E. (1970). Human sexual inadequacy. Toronto, Quebec, Canada: Bantam Books.
McCabe, J. M., Tanner, A. E., & Heiman, J. R. (2010). The impact of gender expectations on meanings of sex and sexuality:Results from a cognitive interview study. Sex Roles, 62(3–4), 252–263.
McClelland, S. I. (in press). Intimate justice: A critical analysis of sexual satisfaction. Social and Personality PsychologyCompass.
Meston, C. M., & Derogatis, L. R. (2002). Validated instruments for assessing female sexual function. Journal of Sex and MaritalTherapy, 28(s), 155–164.
Meuleman, E. J., & van Lankveld, J. J. (2005). Hypoactive sexual desire disorder: An underestimated condition in men. BJU International, 95(3), 291–296.
Meyerowitz, B. E., Desmond, K. A., & Rowland, J. H. (1999). Sexuality following breast cancer. Journal of Sex & Marital Therapy, 25(3), 237–250.
Moynihan, R. (2003). The making of a disease: Female sexual dysfunction. BMJ, 326, 45–47.
National Cancer Institute (NCI). (2004). Living beyond cancer: Finding a new balance. Retrieved from http://deainfo.nci.nih.gov/ADVISORY/pcp/pcp03-04rpt/Survivorship.pdf
Oliffe, J. (2005). Constructions of masculinity following prostatectomy-induced impotence. Social Science & Medicine, 60(10), 2249–2259.
Oliver, M. B., & Hyde, J. S. (1993). Gender differences in sexuality: A meta-analysis. Psychological Bulletin, 114(1), 29–51.
Penson, R., Wenzel, L., Vergote, I., & Cella, D. (2006). Quality of life considerations in gynecologic cancer. InternationalJournal of Gynecology & Obstetrics, 95, S247–S257.
Petersen, J. L., & Hyde, J. S. (2010). A meta-analytic review of research on gender differences in sexuality, 1993–2007.Psychological Bulletin, 136(1), 21–38.
Pikler, V., & Winterowd, C. (2003). Racial and body image differences in coping for women diagnosed with breast cancer. Health Psychology, 22(6), 632–637.
Pluhar, E. (2007). Childhood sexuality. In M.S.Tepper, & A. F. Owens (Eds.), Sexual health: Vol. 1.
Psychological foundations (pp. 155–181). Westport, CT: Praeger.
Pocard, M., Zinzindohoue, F., Haab, F., Caplin, S., Parc, R., & Tiret, E. (2002). A prospective study of sexual and urinary function before and after total mesorectal excision with autonomic nerve preservation for rectal cancer. Surgery, 131(4), 368–372.
Potts, A. (2000). “The essence of the hard on”: Hegemonic masculinity and the cultural construction of “erec- tile dysfunction.”Men & Masculinities, 3(1), 85–103.
Potts, A., Grace, V., Gavey, N., & Vares, T. (2004). “Viagra stories”: Challenging “erectile dysfunction.” Social Science andMedicine, 59(3), 489–499.
Range, L. M., & Jenkins, S. R. (2010). Who benefits from Pennebaker’s expressive writing paradigm? Research recommendations from three gender theories. Sex Roles. Advance online publication. doi:10.1007/ s11199-010-9749-7
Raphael, D., Rukholm, E., Brown, I., Hill-Bailey, P., & Donato, E. (1996). The quality of life profile—Ado- lescent version: Background, description, and initial validation. Journal of Adolescent Health, 19(5), 366–375.
Rees, P. M., Fowler, C. J., & Maas, C. P. (2007). Sexual function in men and women with neurological disor- ders. Lancet, 369, 512–525.
Robinson, J. W., Saliken, J. C., Donnelly, B. J., Barnes, P., & Guyn, L. (2000). Quality-of-life outcomes for men treated with cryosurgery for localized prostate carcinoma. Cancer, 86(9), 1793–1801.
Rosen, R. C. (2002). Assessment of female sexual dysfunction: Review of validated methods. Fertility and Sterility, 77(4).
Rosen, R. C., Brown, C., Heiman, J., Leiblum, S., Meston, C., & Shabsigh, R., … D’Agostino, R., Jr. (2000). The Female SexualFunction Index (FSFI): A multidimensional self-report instrument for the assessment of female sexual function. Journal of Sex andMarital Therapy, 26, 191–208.
Rosen, R. C., Riley, A., Wagner, G., Osterloh, I. H., Kirkpatrick, J., & Mishra, A. (1997). The International Index of Erectile Function (IIEF): A multidimensional scale for assessment of erectile dysfunction. Urology, 49, 822–830.
Rostosky, S., Dekhtyar, O., Cupp, P., & Anderman, E. (2008). Sexual self-concept and sexual self-efficacy in adolescents: Apossible clue to promoting sexual health? Journal of Sex Research, 45(3), 277–286.
Sanchez, D. T., Crocker, J., & Boike, K. R. (2005). Doing gender in the bedroom: Investing in gender norms and the sexualexperience. Personality and Social Psychology Bulletin, 31, 1445–1455.
Schmidt, E. Z., Hofmann, P., Niederwieser, G., Kapfhammer, H. P., & Bonelli, R. M. (2005). Sexuality in mul- tiple sclerosis.Journal of Neural Transmission, 112(9), 1201–1211.
Schneidewind-Skibbe, A., Hayes, R. D., Koochaki, P. E., Meyer, J., & Dennerstein, L. (2008). The frequency of sexual intercoursereported by women: A review of community-based studies and factors limiting their conclusions. Journal of Sexual Medicine, 5(2), 301–335.
Schover L. R., Fouladi R. T., & Warneke C.L., Neede, L., Klein, E. A., Zippe, C., & Kupelian, P. A. (2002). Defining sexualoutcomes after treatment for localized prostate cancer. Cancer, 95, 1773–1778.
Schover, L., Fouladi, R., Warneke, C., Neese, L., Klein, E., Zippe, C., & Kupelian, P. A. (2004). Seeking help for erectile dysfunction after treatment for prostate cancer. Archives of Sexual Behavior, 33(5), 443–454.
Schover, L. R., & Jensen, S. B. (1988). Sexuality and chronic illness: A comprehensive approach. New York, NY: Guilford Press.
Scott, J. L., Halford, W. K., & Ward, B. G. (2004). United we stand? The effects of a couple-coping interven- tion on adjustment to early stage breast or gynecological cancer. Journal of Consulting and Clinical Psychology, 72(6), 1122–1135.
Sorrell, J. H., & Brown, J. R. (2006). Sexual functioning in patients with end-stage liver disease before and after transplantation.Liver Transplantation, 12(10), 1473 – 1477.
Sprangers, M. A., Groenvold, M., Arraras, J. I., Franklin, J., te Velde, A., & Muller, M., … Aaronson, N. K. (1996). The EuropeanOrganization for Research and Treatment of Cancer breast cancer–specific quality- of-life questionnaire module: First results from athree-country field study. Journal of Clinical Oncology, 14(10), 2756–2768.
Sprangers, M. A., Taal, B. G., Aaronson, N. K., & te Velde, A. (1995). Quality of life in colorectal cancer. Stoma vs. nonstoma patients. Diseases of the Colon and Rectum, 38(4), 361–369.
Stanton, A. L. (2006). Psychosocial concerns and interventions for cancer survivors. Journal of Clinical Oncology, 24(32), 5132–5137.
Stanton, A. L., Revenson, T. A., & Tennen, H. (2007). Health psychology: Psychological adjustment to chronic disease. Annual Reviews in Psychology, 58, 565–592.
Stausmire, J. M. (2004). Sexuality at the end of life. American Journal of Hospice and Palliative Medicine, 21(1), 33–39.
Syrjala, K. L., Roth-Roemer, S. L., Abrams, J. R., Scanlan, J. M,, Chapko, M. K., Visser, S., & Sanders, J. E. (1998). Prevalence and predictors of sexual dysfunction in long-term survivors of marrow transplanta- tion. Journal of Clinical Oncology, 16(9), 3148–3157.
Talcott, J. A., Manola, J., Clark, J. A., Kaplan, I., Beard, C. J., Mitchell, S. P., … D’Amico, A. V. (2003). Time course and predictors of symptoms after primary prostate cancer therapy. Journal of Clinical Oncology, 21(21), 3979–3986.
Taylor, J. F., Rosen, R. C., & Leiblum, S. R. (1994). Self-report assessment of female sexual function: Psychometric evaluation ofthe brief index of sexual functioning for women. Archives of Sexual Behavior, 23(6), 627–643.
Thompson, E. H., & Pleck, J. H. (1986). The structure of male role norms. American Behavioral Scientist, 29, 531–543.
Tiefer, L. (1996). The medicalization of sexuality: Conceptual, normative, and professional issues. Annual Review of Sex Research, 7, 252.
Tiefer L. (2004). Sex is not a natural act & other essays (2nd ed.). Boulder, CO: Westview Press.
Tolman, D. L., & Porche, M. V. (2000). The adolescent femininity ideology scale: Development and validation of a new measure for girls. Psychology of Women Quarterly, 24, 365–376.
Tolman, D. L., & Szalacha, L. A. (1999). Dimensions of desire. Psychology of Women Quarterly, 23(1), 7–39.
Tomic, D., Gallicchio, L., Whiteman, M., Lewis, L., Langenberg, P., & Flaws, J. (2006). Factors associated with determinants of sexual functioning in midlife women. Maturitas, 53(2), 144–157.
Tristano, A. G. (2009). The impact of rheumatic diseases on sexual function. Rheumatology International, 29(8), 853–860.
Van Berlo, W. T. M., van de Wiel, H. B. M., Taal, E., Rasker, J. J., Weijmar Schultz, W. C. M., & van Rijswijk, M. H. (2007).Sexual functioning of people with rheumatoid arthritis: A multicenter study. Clinical Rheumatology, 26(1), 30–38.
Verschuren, J. E. A., Enzlin, P., Dijkstra, P. U., Geertzen, J. H. B., & Dekker, R. (2010). Chronic disease and sexuality: A genericconceptual framework. Journal of Sex Research, 47(2), 153–170.
Waite, L. J., Laumann, E. O., Das, A., & Schumm, L. P. (2009). Sexuality: Measures of partnerships, practices, attitudes, andproblems in the national social life, health and aging study. Journals of Gerontology: Social Sciences, 64B(Suppl. 1), i56–i66.
West, S. L., Vinikoor, L. C., & Zolnoun, D. (2004). A systematic review of the literature on female sexual dys-function prevalenceand predictors. Annual Review of Sex Research, 15, 40–172.
Wilmoth, M. C. (2001). The aftermath of breast cancer: An altered sexual self. Cancer Nursing, 24, 278–286. Wilmoth, M. C., &Spinelli, A. (2000). Sexual implications of gynecologic cancer treatments. Journal of Obstetric, Gynecologic, & NeonatalNursing, 29(4), 413–421.
Wilson, G. D. (2010). Measurement of sex fantasy. Sexual and Relationship Therapy, 25(1), 57–67.
Wolpe, J. (1958). Psychotherapy by reciprocal inhibition. Stanford, CA: Stanford University Press.
Yost, K. J., & Cella, D. (2003). Health-related quality of life and colorectal cancer. Colorectal Cancer Index & Review, 4(4), 4–7.
Yurek, D., Farrar, W., & Andersen, B. L. (2000). Breast cancer surgery: Comparing surgical groups and deter- mining individual differences in postoperative sexuality and body change stress. Journal of Consulting and Clinical Psychology, 68(4), 697–709.
Zemishlany, Z., & Weizman, A. (2008). The impact of mental illness on sexual dysfunction. Advances in PsychosomaticMedicine, 29, 89–106.
CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ