HỘI CHỨNG KLINEFELTER

Nguồn:       Nội dung: HueCREI       Lượt đọc: 205

1. Tổng quan

Hội chứng Klinefelter là một loại đột biến nhiễm sắc thể (NST) gây thiểu năng sinh dục và vô sinh ở nam giới, gặp với tần suất khoảng từ 1/500 - 1/1000 trẻ sơ sinh. Hội chứng này đặc trưng bởi đa hình NST giới tính X, với hai NST X là kiểu gen phổ biến nhất (47,XXY), chiếm khoảng 89 - 90% do NST X không phân ly trong giảm phân. Các thể khác bao gồm 48,XXYY, 48,XXXY, 49,XXXYY, 49,XXXXY, thể khảm 46,XY/47,XXY nhưng rất hiếm gặp. 

Hội chứng Klinefelter xảy ra do một lỗi ngẫu nhiên trong quá trình hình thành và tái tổ hợp NST khiến nam giới sinh ra có thêm NST giới tính X. Số lượng NST X thêm vào càng nhiều càng gây rối loạn nặng nề đến sự phát triển giới tính và khả năng sinh sản của nam giới. Tuổi bố mẹ cao có liên quan đến tăng nguy cơ con bị hội chứng Klinefelter, số lượng tinh trùng mang NST giới tính không phân ly (24,XY) từ người cha của các trường hợp này tăng rõ rệt.

2. Đặc điểm lâm sàng

Chỉ khoảng 10% trường hợp những người có hội chứng Klinefelter được chẩn đoán trước khi dậy thì do bất thường chưa biểu hiện rõ hoặc dị dạng không đặc hiệu như tinh hoàn lạc chỗ, lỗ đái thấp, dương vật kém phát triển,… Đến giai đoạn trưởng thành, các trường hợp điển hình thường gặp có đặc điểm người cao, tay chân dài so với trục cơ thể (trừ thể 49,XXXXY), chậm phát triển trí tuệ (70%); thiểu năng sinh dục và vô sinh với biểu hiện dương vật nhỏ, tinh hoàn kém phát triển, mất hoặc giảm các đặc tính sinh dục thứ phát do giảm sản xuất androgen như lông ở mặt, thân, cơ quan sinh dục thưa, giọng nói cao, vú phì đại và không có tinh trùng. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể là lệch ngón (25%), hàm phình to (25%), loãng xương, rối loạn ngôn ngữ và tâm lý, giảm ham muốn, giảm khoái cảm tình dục, rối loạn cương dương.

Vô sinh gặp ở hầu hết bệnh nhân 47,XXX, tuy nhiên ở thể khảm 46,XY/47,XXY ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn, bệnh nhân vẫn có tinh hoàn đạt kích thước bình thường, vẫn có quá trình sinh tinh, do đó vẫn có thể có khả năng sinh sản. Các báo cáo cho thấy rằng có sự mất dần các tế bào sinh tinh bắt đầu từ khời kỳ tiền dậy thì, với tình trạng xơ hóa tinh hoàn nặng hơn khi trưởng thành. Theo thống kê, 83% trường hợp mắc hội chứng Klinefelter thu được tinh trùng trong tinh hoàn ở trước tuổi dậy thì, trong khi đó, chỉ có 40-50% thanh thiếu niên/ người lớn trong số đó mới tìm thấy tinh trùng.

Hình 1. Những điểm khác nhau giữa nam giới bình thường và nam giới mắc hội chứng Kilinefenter

3. Xét nghiệm chẩn đoán

Phân tích nhiễm sắc thể (karyotype) là xét nghiệm chuẩn đoán chính xác hội chứng Klinefelter. Ngoài ra, bác sĩ cần dựa vào triệu chứng lâm sàng, định lượng hormone cho thấy nồng độ FSH, LH và estradiol tăng, nồng độ testosterone giảm.

Hình 2. Bộ nhiễm sắc thể của bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter

Chẩn đoán trước sinh có thể được thực hiện bao gồm lấy máu mẹ làm xét nghiệm NIPT tại thời điểm sàng lọc quý I, nếu có nghi ngờ có thể chọc ối vào tuần thứ 16 – 24 của thai kỳ để xác định chắc chắn. 

4. Ảnh hưởng của Hội chứng Klinefelter đến chất lượng cuộc sống

Những nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh rằng hội chứng Klinefelter có liên quan đến tình trạng kinh tế xã hội thấp hơn, bao gồm trình độ học vấn, thu nhập thấp và ít các mối quan hệ tình cảm hơn. Nam giới mắc Hội chứng này có nhiều nguy cơ rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý tự kỷ và gia tăng nguy cơ rối loạn chức năng tình dục. Hơn nữa, họ cũng có tỷ lệ mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim mạch, truyền nhiễm, bệnh về hệ tiêu hóa và hô hấp và tử vong sớm hơn bởi các bệnh lý này. Mức độ nghiêm trọng trong bất thường karyotype cũng có liên quan tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của trẻ trai. 

Các báo cáo trên thế giới đã cho thấy rằng rối loạn cương dương, giảm khả năng cực khoái, giảm sự hài lòng khi giao hợp, rối loạn xuất tinh và đau khi giao hợp có thể thường gặp hơn ở những người đàn ông mắc hội chứng Klinefelter. Tuy vậy, họ vẫn có nhu cầu được yêu thương và có thể duy trì đời sống tình dục tích cực như những người đàn ông bình thường.

5. Điều trị

Hội chứng Klinefelter là một bất thường bẩm sinh xảy ra trên mã di truyền của con người, do vậy không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do vậy, các khuyến nghị để theo dõi bệnh nhân mắc Hội chứng Klinefelter là liệu pháp ngôn ngữ, kiểm soát các vấn đề xoay quanh giáo dục, đào tạo về mặt ý thức xã hội và đánh giá tâm lý, cố gắng giảm thiểu các rối loạn chức năng phát triển thần kinh, khó khăn khi học tập và các vấn đề về hành vi. Các liệu pháp này được cho là có tác dụng cải thiện lòng tự trọng của bệnh nhân, đảm bảo chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thích nghi với xã hội. Điều trị triệu chứng đã được chứng minh là có hiệu quả nếu thực hiện ngay ở giai đoạn trước dậy thì (11- 12 tuổi) bằng liệu pháp hormone thay thế. Tiêm testosterone đều đặn giúp bình thường hóa các đặc tính sinh dục, tạo dáng vẻ cơ bắp cho cơ thể, tăng ham muốn tình dục, bảo vệ chống lại tình trạng loãng xương sớm. Tuy nhiên trên thực tế rất khó phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Vú to gây căng thẳng tâm lí xã hội đáng kể cho bệnh nhân và làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vấn đề này có thể được phát hiện bởi các xét nghiệm đặc hiệu và được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt giảm ngực và lấy tế bào mô vú để làm giải phẫu bệnh khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Ở những bệnh nhân vô tinh, trích xuất tinh trùng từ tinh hoàn (Micro TESE) có hiện diện tinh trùng ở khoảng 50% trường hợp và đã có báo cáo cho thấy có khả năng sinh con sống có đặc điểm di truyền như người bình thường. Tinh trùng sau khi trích xuất sẽ được tiến hành trữ lạnh để thực hiện cho các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên, số lượng tinh trùng sau phẫu thuật ở những người đàn ông mắc chứng bệnh này giảm dần theo thời gian, do đó nên đi khám và điều trị sớm để tăng cơ hội thành công. Do đó, việc bảo tồn tiềm năng sinh sản qua phương pháp trữ lạnh tinh trùng từ mẫu xuất tinh hoặc tinh hoàn là một lựa chọn cần được cân nhắc và có thể được phổ biến rộng rãi.

Nhìn chung, biểu hiện bệnh lý của hội chứng Klinefelter là rất đa dạng và mức độ nghiêm trọng khác nhau ở mỗi người, tỉ lệ tử vong không cao nhưng tuổi thọ trung bình giảm nhẹ. Hầu hết nam giới 47,XXY thể nhẹ đều không biết mình mắc bệnh cho đến khi kết hôn và không có con. Việc chẩn đoán tình trạng bệnh muộn khi hai vợ chồng đã lớn tuổi gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều trị về sau. Do vậy, lời khuyên chung cho các cặp vợ chồng là nếu quan hệ tình dục đều đặn trên 1 năm (hoặc 6 tháng nếu người vợ trên 35 tuổi), không sử dụng biện pháp tránh thai mà vẫn chưa có con thì nên đến các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để được tư vấn càng sớm càng tốt.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lowe X, Eskenazi B, Nelson DO, Kidd S, Alme A, Wyrobek AJ. Frequency of XY sperm increases with age in fathers of boys with Klinefelter syndrome. Am J Hum Genet. 2001;69(5):104654.

2. Phan Thị Hoan, Lương Thị Lan Anh (2006). Đặc điểm lâm sàng bộ phận sinh dục ngoài và di truyền tế bào ở bệnh nhân có hội chứng Klinefelter.

3. Van Assche E, Bonduelle M, Tournaye H, Joris H, Verheyen G, Devroey P, et al. Cytogenetics of infertile men. Hum Reprod. 1996; 11 Suppl 4:1-24; discussion.   

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 


CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ





TRUNG TÂM NỘI TIẾT SINH SẢN VÀ VÔ SINH

Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế
41 Nguyễn Huệ, TP Huế, Việt nam
0234.626.9696
0989.228.779
yhocsinhsan.hue@gmail.com

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI