Tara Symonds, Mitra Boolell, and Frances Quirk
Pfizer Global Research and Development, Sandwich, United Kingdom
Bộ câu hỏi về chất lượng cuộc sống tình dục nữ (Sexual Quality of Life-Female – SQOL-F) được xem là công cụ đánh giá tác động của rối loạn chức năng tình dục đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ cũng như hỗ trợ đánh giá các rối loạn chức năng tình dục nữ trong thử nghiệm lâm sàng. Thông qua câu trả lời từ 82 phụ nữ tham gia phỏng vấn, các mục của bộ câu hỏi đã được phát triển. Ngoài ra, các khảo sát sức khỏe phụ nữ ở Anh và Hoa Kỳ, đã cung cấp ba bộ dữ liệu để xác lập quy mô nghiên cứu. SQOL-F cho thấy các đặc tính đo lường tâm lý tốt như giá trị hội tụ, giá trị phân biệt và độ tin cậy test-retest, nhưng độ nhạy của bộ câu hỏi với những thay đổi trong chức năng tình dục cần được xác nhận thêm.
Các triệu chứng liên quan đến rối loạn chức năng tình dục nữ rất phổ biến, xảy ra ở 25% đến 63% phụ nữ. Năm 1999, theo một Điều tra sức khỏe và đời sống xã hội tại Mỹ cho thấy có 43% phụ nữ gặp các vấn đề tình dục trong vòng một năm. Trước đó, một vài nghiên cứu đã chứng minh hoạt động tình dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng đối với sự thoả mãn đời sống tình dục và chất lượng cuộc sống chung. Tuy nhiên, vẫn còn khá ít bằng chứng thực nghiệm hỗ trợ nhận định này và các phương pháp luận về chất lượng cuộc sống với hoạt động tình dục thường ít tối ưu hơn.
Thang đo chất lượng cuộc sống tình dục thường được đánh giá dựa trên sức khoẻ tổng quát và sự hạnh phúc khi hoạt động tình dục, nhưng nhìn chung nó có thể không đủ độ nhạy với các thay đổi để có thể đánh giá toàn diện chức năng tình dục. Một số ý kiến cho rằng bộ câu hỏi dùng đánh giá chất lượng cuộc sống tình dục nên tập trung vào các khía cạnh khác nhau của từng rối loạn cụ thể, điều này là cần thiết để xác định sự ảnh hưởng của rối loạn chức năng tình dục đến chất lượng cuộc sống. Trong lĩnh vực chức năng tình dục nam, một số giải pháp đã đề cập đến chất lượng cuộc sống tình dục của nam giới bị rối loạn cương dương, nhưng điều tương tự lại thiếu ở nữ giới.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Tara đã phát triển bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục riêng cho nữ giới với mục đích bổ sung việc đánh giá các đặc điểm chức năng tình dục thông qua các câu hỏi chuyên sâu.
Bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống thường có cấu trúc đa chiều và được thể hiện thông qua ít nhất bốn tiêu chí bao gồm sức khoẻ, cảm xúc, tâm lý và xã hội. Do đó nhóm nghiên cứu đã kết hợp các tiêu chí kể trên khi phát triển bộ câu hỏi về chất lượng cuộc sống tình dục nữ. Bên cạnh đó cũng cần xác định xem tiêu chí nào chịu tác động của rối loạn chức năng tình dục và những hậu quả kèm theo. Ví dụ rối loạn chức năng tình dục ảnh hưởng đến khoẻ của phụ nữ, làm giảm khả năng bôi trơn và gây khó khăn khi giao hợp. Lâu dài người phụ nữ sẽ có xu hướng tránh né hoạt động tình dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vợ chồng. Về mặt cảm xúc, rối loạn chức năng tình dục có thể gây giảm ham muốn, chán ghét bạn tình hay không mang lại sự thoả mãn khi quan hệ tình dục. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là phát triển một bộ câu hỏi về chất lượng cuộc sống theo từng tình trạng cụ thể để có thể sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng khi đánh giá tác động của rối loạn chức năng tình dục đến cuộc sống của phụ nữ.
Xây dựng các danh mục trong Bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ
(SQOL-F item generation)
Để tạo ra các danh mục cho phiên bản đầu tiên của bộ câu hỏi, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một cuộc phỏng vấn bán cấu trúc gồm 17 mục đã có từ trước và tiến hành phỏng vấn 82 phụ nữ đến từ 7 quốc gia (Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Ý) có độ tuổi từ 19 đến 65. Trong số đó có 22 người được chẩn đoán gặp tình trạng rối loạn chức năng tình dục và 60 người còn lại không gặp tình trạng trên. Mỗi người tham gia phỏng vấn sẽ được trao đổi riêng với một nhà tâm lý học trong thời gian từ 60 đến 90 phút. Nội dung chính của các danh mục được phỏng vấn liên quan đến tác động của rối loạn chức năng tình dục đến người phụ nữ, bạn đời và mối quan hệ của hai vợ chồng. Sau đó, các câu trả lời sẽ được tổng hợp và tìm chủ đề chung để tạo ra một danh mục cho Bộ câu hỏi đánh giá. Dưới đây là một số câu trả lời cho các câu hỏi cụ thể về tác động của rối loạn tình dục đến người tham gia phỏng vấn.
- “Xin lỗi vì tôi không thể trả lời như trước đây.”
- “Tôi thấy chán nản và không muốn đề cập đến vấn đề này.”
- “Thật mất mát, trả lời bộ câu hỏi khiến tôi gợi nhớ đến quãng thời gian hạnh phúc, một phần của cuộc sống mà đã không còn nữa”
- “Luôn có cảm giác thiếu thốn và thấy mình không giống phụ nữ nữa.”
- “Tôi thấy tiếc nuối giai đoạn tuổi trẻ đã qua, thật trống rỗng. Còn bây giờ thì cảm thấy chán nản, không thể thoả mãn và dễ tức giận cũng như nổi nóng với chồng.”
Nhóm nghiên cứu đã xem xét nhiều tài liệu về chất lượng cuộc sống tình dục, tuy nhiên phần lớn chỉ đề cập đến tình dục của nam giới. Nhìn chung, có tổng cộng 24 mục được xây dựng từ dữ liệu của các cuộc phỏng vấn và được đánh giá lại bởi một hội đồng lâm sàng bao gồm các chuyên gia tâm lý, bác sĩ phụ khoa, chuyên gia sinh lý học và chuyên gia phục hồi chức năng để xác định mức độ liên quan về mặt lâm sàng cũng như tính hợp lệ của từng danh mục. Sau đó 5 mục đã bị loại bỏ và bộ câu hỏi còn lại 19 mục.
Thẩm định (Validation)
Nhóm tác giả đã tiến hành ba nghiên cứu để để thu thập dữ liệu cần thiết cho các phân tích tâm lý tiêu chuẩn, nhằm kiểm tra tính hợp lệ và độ tin cậy của bộ câu hỏi. Mỗi nghiên cứu được thiết kế riêng biệt với các bài kiểm tra tâm lý và mức độ bằng chứng như sau.
Một số tiêu chí được dùng để xác định các danh mục cần giữ lại, đồng thời điều chỉnh lại cấu trúc của bộ câu hỏi bao gồm:
- Giá trị Eigen (Eigen value) > 1,0
- Các danh mục có hệ số tải (Items with factor loadings) > 0,4
- Hệ số tương quan Pearson (Pearson’s correlation) r > 0,3
Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng giá trị hội tụ và tính hợp lệ của nhóm đã biết để chứng minh hoạt động hiệu quả của bộ công cụ đo lường.
- Giá trị hội tụ (Convergent validity): bộ câu hỏi có sự tương quan với một bộ câu hỏi tương tự. Khi giá trị mối tương quan nằm trong khoảng 0,5 đến 0,7 cho thấy giá trị hội tụ tốt - xuất sắc.
- Tính hợp lệ của các nhóm đã biết (Known-groups validity): khi hai nhóm đã biết có sự khác nhau về một điều kiện nhất định thì sự khác biệt có ý nghĩa thống kê được kỳ vọng cho nhóm có thông tin chính về điều kiện đó. Cụ thể trong nghiên cứu đang tiến hành, nhóm tác giả đã so sánh điểm số giữa phụ nữ bình thường và phụ nữ bị rối loạn chức năng tình dục.
Hai tiêu chí để kiểm tra độ tin cậy của thang điểm đánh giá
- Tính nhất quán nội bộ (Internal consistency): các giá trị này cho biết mức độ tin cậy của bộ câu hỏi của một chủ đề nhất định đang đo lường một miền khác. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hệ số cronbach’s alpha; mức điểm tối thiểu phải đạt trên 0,7.
- Độ tin cậy test-retest (Test-retest reliability): đây là kiểm tra chính về độ tin cậy của thang điểm đánh giá. Trong trường hợp không có bất kỳ thay đổi nào trong nhóm hoàn thành bộ câu hỏi, điểm trung bình phải nhất quán theo thời gian. Khi hệ số tương quan Intraclass (Intraclass Correlation Coefficient – ICC) đạt từ 0,7 trở lên thì độ tin cậy test-retest được xem là tốt.
Nghiên cứu 1: Nghiên cứu hiệu lực của Anh (U.K. Validation Study)
Phương pháp
Một cuộc khảo sát sức khoẻ phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 65 đã được thực hiện tại Vương quốc Anh theo kiểu lấy mẫu hạn ngạch (quota sample). Bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ phiên bản 1 bao gồm 19 mục, được chấm theo thang điểm 6 từ “hoàn toàn đồng ý” đến “hoàn toàn không đồng ý”, trong đó điểm cao hơn phản ánh chất lượng cuộc sống tốt hơn. Các danh mục liên quan đến nhân khẩu học, sức khỏe chung, và các biểu hiện của đáp ứng tình dục như thiếu ham muốn, khó bị kích thích cũng được thu nhận.
Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát mức độ phổ biến của các biểu hiện tình dục trong mẫu hạn ngạch phụ nữ, thí điểm bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ và đánh giá mối quan hệ giữa các triệu chứng về tình dục cũng như các phương diện khác của sức khoẻ với chất lượng cuộc sống tình dục thông qua tổng điểm của bộ câu hỏi.
Ngoài các câu hỏi về chất lượng cuộc sống tình dục, các phụ nữ tham gia phỏng vấn còn trả lời 6 câu hỏi về các triệu chứng tình dục bao gồm:
- Bạn đã bao giờ thiếu hứng thú với hoạt động tình dục chưa?
- Bạn có gặp tình trạng thiếu tiết dịch bôi trơn khi đã tiếp nhận kích thích từ bạn tình không?
- Bạn có khó để đạt hưng phấn khi quan hệ tình dục không?
- Bạn có mất nhiều thời gian để trở nên hưng phấn khi được kích thích không?
- Bạn có bị đau hay khó chịu sau khi quan hệ tình dục không?
- Bạn có khó đạt được cực khoái không?
Các phản hồi đã thu nhận lại gồm có:
- “Có, trước đây tôi đã như vậy.”
- “Có, hiện tại rồi đang như vậy và đã kéo dài ít nhất trong 6 tháng.”
- “Không, tôi không bao giờ bị như vậy.”
Các câu hỏi và câu trả lời được tổng hợp lại trong bảng 1.
Bảng 1. Tỷ lệ phụ nữ trải qua một số rối loạn chức năng tình dục
Biểu hiện (%) |
Hiện tại |
Trong quá khứ |
Không bao giờ |
Thiếu hứng thú |
10 |
45 |
45 |
Thiếu sự bôi trơn |
5 |
21 |
74 |
Khó khăn để đạt được hưng phấn |
7 |
23 |
70 |
Mất nhiều thời gian để trở nên hưng phấn |
8 |
27 |
65 |
Đau hoặc khó chịu trong khi quan hệ tình dục |
7 |
31 |
61 |
Khó đạt được cực khoái |
7 |
25 |
68 |
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng lấy mẫu gồm 1.296 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 65, được chọn thông qua một cuộc khảo sát điện tử ở 10 khu vực thuộc Vương quốc Anh. Trong tổng số mẫu khảo sát có 81% phụ nữ đã có bạn tình (n = 1051) và 84% đã có ít nhất một con (n = 1093). Về sức khỏe sinh sản, phụ nữ tiền mãn kinh (được định nghĩa là có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn) chiếm 68% (n = 882) và hậu mãn kinh là 16% (n = 212). Còn lại 16% phụ nữ không cung cấp thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe sinh sản. Các đối tượng nghiên cứu sử dụng bình quân 4,4 ly đồ uống có cồn mỗi tuần và 38% (n = 489) hiện đang hút thuốc lá. Tình trạng sức khoẻ hiện tại hoặc trong quá khứ của những người được khảo sát phổ biến với phần đông dân số và bao gồm các bệnh thường gặp như trầm cảm (23%), hội chứng ruột kích thích (13%), cao huyết áp (6%), lạc nội mạc tử cung (3%), bệnh viêm vùng chậu (3%), đau thắt ngực (2%), đái tháo đường (2%), và đa xơ cứng rải rác (0,4%). Các rối loạn này được nhóm nghiên cứu chọn đưa vào khảo sát dựa trên các cơ sở đã biết hoặc giả định có liên quan đến sự xuất hiện rối loạn chức năng tình dục nữ.
Một nhóm nhỏ hơn gồm 1.051 phụ nữ có mối quan hệ bền vững với bạn tình đã hoàn thành khảo sát các biểu hiện tình dục và bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ. Cụ thể hơn trong nhóm nhỏ trên có 730 người (chiếm 70%) đã hoàn thành các câu hỏi tập trung vào vấn đề tình dục; 30% còn lại không trả lời những câu hỏi này. Do đó, các phân tích liên quan đến các biểu hiện tình dục và chất lượng cuộc sống tình dục được lấy từ câu trả lời của 730 phụ nữ. Đặc điểm nhân khẩu học của cả hai nhóm là tương đương nhau và được thể hiện ở bảng 2.
Bảng 2. Đặc điểm nhân khẩu học và lối sống của các mẫu nghiên cứu
Các đặc điểm, n (%) |
Tổng số mẫu ( n = 1.296) |
Mẫu phụ ( n = 730) |
Hiện tại có bạn tình |
1.051 (81) |
730 (100) |
Có con |
1.093 (84) |
623 (85) |
Sử dụng thuốc tránh thai |
275 (21) |
184 (25) |
Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn |
882 (68) |
558 (76) |
Hậu mãn kinh |
212 (16) |
99 (14) |
Uống rượu |
988 (76) |
593 (81) |
Hút thuốc lá |
489 (38) |
280 (38) |
Kết quả: Xác định tên đề mục và các danh mục lưu giữ
Dựa trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên để xác định đề mục và danh mục được giữ lại, nhóm nghiên cứu đã bỏ một mục, là câu hỏi 18. Các danh mục sau đó được sắp xếp lại cho hợp lý, đồng thời mục 13, 15 và 18 được đổi tên để là rõ nội dung hơn. Từ đó hình thành nên phiên bản 2 của bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cho thấy nên tổng hợp các danh mục bởi giữa chúng không có sự phân chia rõ ràng (Bảng 3).
Bảng 3. Phân tích nhân tố của bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ
Danh mục |
Điểm tải yếu tố đầu tiên |
1 |
0,63 |
2 |
0,67 |
3 |
0,66 |
4 |
0,60 |
5 |
0,60 |
6 |
0,68 |
7 |
0,82 |
8 |
0,73 |
9 |
0,82 |
10 |
0,84 |
11 |
0,76 |
12 |
0,81 |
13 |
0,79 |
14 |
0,84 |
15 |
0,83 |
16 |
0,82 |
17 |
0,80 |
18 |
0,84 |
19 |
0,67 |
Chỉ số đồng nhất nội bộ
Độ tin cậy trong đề mục gồm 18 mục được giữ lại sau kết quả phân tích các nhân tố là rất cao, với mối tương quan là 0,95.
Tính hợp lệ của các nhóm đã biết
Tính hợp lệ của các nhóm đã biết được chứng minh theo 2 cách.
Tiền sử bệnh lý
Khi so sánh tổng điểm chất lượng cuộc sống tình dục của những phụ nữ có hoặc không có các bệnh lý hay rối loạn được đề cập ở trên, người ta nhận thấy có sự khác biệt đáng kể về điểm số ở những người bị trầm cảm so với những người không bị trầm cảm (87,4 so với 94,8; P = 0,042).
Triệu chứng về tình dục
Đối với các biểu hiện tình dục được báo cáo, có 55% phụ nữ từ trước đến nay luôn bị “thiếu hứng thú”, 26% gặp tình trạng “thiếu chất bôi trơn”, 30% cho biết “khó trở nên hưng phấn khi được kích thích”, 35% “mất nhiều thời gian để hưng phấn”, 39% bị “đau hoặc khó chịu” khi quan hệ tình dục và 32% trả lời “khó đạt được cực khoái” (Bảng 1). Khi nhóm nghiên cứu kiểm tra sự hiện diện hoặc vắng mặt của các biểu hiện tình dục so với tổng điểm chất lượng cuộc sống tình dục đã nhận thấy có sự khác biệt đáng kể đối với 3 trong số 6 biểu hiện tình dục (Bảng 4). Đối với 3 yếu tố còn lại, sự không khác biệt có thể liên quan đến một số các yếu tố như: (1) cơ hội lấy mẫu, (2) người phụ nữ có triệu chứng rối loạn nhưng xem chúng như vấn đề trong hoạt động tình dục, và (3) 3 triệu chứng đó ít tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống tình dục so với các triệu chứng còn lại.
Bảng 4. Sự khác biệt về tổng điểm chất lượng cuộc sống tình dục nữ đối với 6 biểu hiện rối loạn tình dục (điểm trung bình)
Biểu hiện tình dục |
Hiện tại |
Trong quá khứ |
Không bao giờ |
Giá trị P |
Thiếu hứng thú |
76,5 |
94,5 |
96,9 |
0,0001 |
Thiếu sự bôi trơn |
94,2 |
87,8 |
85,9 |
0,0639 |
Khó khăn để đạt được hưng phấn |
81,6 |
90,7 |
95,5 |
0,0071 |
Mất nhiều thời gian để trở nên hưng phấn |
84,3 |
92,6 |
90,9 |
0,1670 |
Đau hoặc khó chịu trong khi quan hệ tình dục |
81,8 |
94,2 |
91,8 |
0,0003 |
Khó đạt được cực khoái |
90,8 |
86,8 |
90,3 |
0,1799 |
Giá trị hội tụ
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá tính hội tụ dựa trên 2 mục trong Danh sách kiểm tra sự hài lòng về cuộc sống (“Satisfaction with sex life” and “Satisfaction with partner relationship”; Fugl-Meyer et al., 1997) . Nhóm nghiên cứu cũng dự kiến số lượng các triệu chứng tình dục sẽ có tương quan nghịch với tổng điểm chất lượng cuộc sống tình dục, do đó số lượng các triệu chứng nhiều hơn có thể liên quan đến số điểm SQOL-F thấp hơn.
Sự hài lòng về đời sống tình dục và mối quan hệ với bạn tình
Khi kiểm tra mối tương quan, nhóm nghiên cứu nhận thấy mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa tổng điểm SQOL-F với sự hài long về đời sống tình dục ở phụ nữ (r = 0,48; P = 0,0001) và tương tự đối với sự hài lòng với bạn tình (r = 0,32; P = 0,0001). Do đó, khi sự hài lòng, thoải mãn về đời sống tình dục được nâng cao thì chất lượng cuộc sống tình dục cũng được cải thiện đáng kể.
Số lượng triệu chứng tình dục
Một phân tích tương quan về mối quan hệ giữa tổng điểm chất lượng cuộc sống tình dục với các biểu hiện tình dục (r = −0,42; P = 0,0001) chỉ ra rằng sự gia tăng số lượng các triệu chứng về tình dục có liên quan đến tổng điểm SQOL-Fthấp hơn.
Nghiên cứu 2: Nghiên cứu hiệu lực của hoa kỳ (U.S Validation Study)
Sau kết quả nghiên cứu tại Anh và sự ra đời của bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ phiên bản 2, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu thứ hai trên một nhóm phụ nữ ở Hoa Kỳ. Mục đích chính của nghiên cứu này là để đánh giá hiệu lực của chất lượng cuộc sống tình dục trong một nhóm bệnh nhân lâm sàng cụ thể.
Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Ba nhóm phụ nữ tham gia vào nghiên cứu này gồm phụ nữ bị chấn thương tủy sống (Spinal cord injury - SCI; n = 69, tuổi trung bình = 44,5 tuổi), phụ nữ khoẻ mạnh nhưng bị rối loạn chức năng tình dục (n = 65, tuổi trung bình = 38,5 tuổi) và phụ nữ khoẻ mạnh có chức năng tình dục bình thường (n = 60, tuổi trung bình = 37 tuổi). Nhóm phụ nữ bị tổn thương tuỷ sống thường gặp các vấn đề về tình dục trong thời gian trung bình là 9,6 năm, nhóm bị rối loạn chức năng tình dục trải qua trung bình 5,4 năm.
Thiết kế nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm đối tượng nghiên cứu thông qua các quảng cáo, hội nhóm và các trang mạng xã hội cụ thể. Tiếp đến, tiến hành phỏng vấn qua điện thoại các đối tượng đã tìm kiếm để chọn lọc những người phù hợp, đáp ứng một số tiêu chí như có tổn thương tuỷ sống, có hoặc không có các biểu hiện tình dục. Số lượng và các kiểu biểu hiện cũng được thu thập trong các cuộc phỏng vấn sàng lọc.
Người đủ điều kiện tham gia nghiên cứu sẽ nhận được một bộ câu hỏi về chất lượng cuộc sống tình dục, bộ câu hỏi đánh giá chức năng tình dục và các mục riêng lẻ liên quan đến sự hài lòng về đời sống tình dục; đồng thời họ cũng được hướng dẫn cụ thể để hoàn thành các bộ câu hỏi đánh giá này một cách riêng tư và độc lập.
Sau khi thu thập các câu trả lời, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích dữ liệu để xem xét mối liên quan giữa tổng điểm hoặc các mục riêng lẻ của chất lượng cuộc sống tình dục với tính hợp lệ của nhóm đã biết; điểm số, số lượng các triệu chứng về tình dục; sự hài lòng và đau khổ (giá trị hội tụ) cho mỗi nhóm.
Kết quả
Tính hợp lệ của nhóm đã biết
Kết quả so sánh tổng điểm trung bình về chất lượng cuộc sống tình dục ở ba nhóm cho thấy phụ nữ khoẻ mạnh với chức năng tình dục bình thường có điểm chất lượng cuộc sống cao hơn đáng kể so với nhóm bị chấn thương tuỷ sống cũng như nhóm bị rối loạn chức năng tình dục (lần lượt là 90,1 so với 63,3 và 59,0, Bảng 5). Trong khi đó không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm bị chấn thương tuỷ sống và nhóm có thể trạng bình thường nhưng gặp rối loạn chức năng tình dục.
Bảng 5. So sánh điểm trung bình về chất lượng cuộc sống tình dục
ở nhóm bị tổn thương tuỷ sống, nhóm bị rối loạn chức năng tình dục và nhóm bình thường.
Mục câu hỏi |
Nhóm bị chấn thương tuỷ sống |
Nhóm bị rối loạn chức năng tình dục |
Nhóm bình thường |
1. Khi nghĩ về tình dục, đó là một phần thú vị trong cuộc sống của tôi. |
3,8 |
3,6 |
5,0* |
2. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy thất vọng. |
3,0 |
2,6 |
4,6* |
3. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy chán nản. |
3,6 |
3,2 |
5,3* |
4. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy mình không giống một người phụ nữ. |
3,8 |
4,0 |
5,6* |
5. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy hài lòng về bản thân mình. |
3,3 |
3,1 |
4,8* |
6. Tôi đã mất sự tự tin vào bản thân khi trở thành bạn tình của ai đó. |
3,6 |
3,3 |
5,4* |
7. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy lo lắng. |
3,6 |
3,9 |
4,2* |
8. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy tức giận. |
3,8 |
4,1 |
5,6* |
9. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy gần gũi với bạn đời của mình. |
3,6 |
3,8 |
5,1* |
10. Tôi lo lắng về tương lai đời sống tình dục của mình. |
3,0 |
2,8 |
4,6* |
11. Tôi bị mất khoái cảm khi quan hệ tình dục. |
3,6 |
2,7 |
5,0* |
12. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy xấu hổ. |
3,6 |
3,6 |
5,5* |
13. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy mình có thể chia sẻ với bạn đời của mình các vấn đề liên quan. |
4,0 |
3,7 |
4,8* |
14. Tôi cố gắng tránh né các hoạt động tình dục. |
3,8 |
3,0 |
5,2* |
15. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy tội lỗi. |
4,0 |
3,4 |
5,4* |
16. Khi nghĩ về tình dục, tôi lo lắng vì bạn tình có thể bị tổn thương hoặc bị kích động. |
3,3 |
2,6 |
5,0* |
17. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy như mình đã mất đi thứ gì đó. |
2,5 |
2,4 |
4,8* |
18. Khi nghĩ về tình dục, tôi hài lòng với tần suất quan hệ tình dục. |
2,8 |
3,2 |
4,2* |
Tổng điểm trung bình |
62,7 |
59,0 |
90,1 |
∗ Chỉ ra sự khác biệt có ý nghĩa với P <0,05 giữa nhóm bị chấn thương tuỷ sống và nhóm bị rối loạn chức tình dục so với nhóm bình thường bằng cách phân tích phương sai. Chất lượng cuộc sống tình dục được chấm theo thang điểm 6 từ “hoàn toàn đồng ý” đến “hoàn toàn không đồng ý”, trong đó điểm cao hơn phản ánh chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Giá trị hội tụ
Mối tương quan giữa tổng điểm của chất lượng cuộc sống tình dục nữ và các mục riêng lẻ của bộ câu hỏi đánh giá chức năng tình dục cho mỗi nhóm đã thể hiện mối quan hệ thuận giữa tình trạng chức năng tình dục với chất lượng cuộc sống tình dục cho cả ba nhóm.
Bảng 6. Mối tương quan giữa tổng điểm về chất lượng cuộc sống tình dục nữ với từng mục riêng trong bộ câu hỏi đánh giá chức năng tình dục nữ cho mỗi nhóm.
Danh mục |
Nhóm bị chấn thương tuỷ sống |
Nhóm bị rối loạn chức năng tình dục |
Nhóm bình thường |
|||
Giá trị r |
Giá trị P |
Giá trị r |
Giá trị P |
Giá trị r |
Giá trị P |
|
Ham muốn |
0,55 |
<0,0001 |
0,37 |
0,003 |
0,61 |
0,0001 |
Khó hưng phấn |
0,58 |
<0,0001 |
0,36 |
0,004 |
0,43 |
0,0007 |
Bôi trơn khi kích thích |
0,53 |
<0,0001 |
0,37 |
0,003 |
0,31 |
0,02 |
Cực khoái |
0,56 |
<0,0001 |
0,26 |
0,04 |
0,45 |
0,0003 |
Đau |
0,28 |
0,03 |
0,25 |
0,04 |
0,33 |
0,01 |
Sự thoả mãn |
0,61 |
<0,0001 |
0,39 |
0,001 |
0,66 |
<0,0001 |
Bạn tình |
0,61 |
<0,0001 |
0,52 |
0,0001 |
0,34 |
0,009 |
Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá mối tương quan giữa tổng điểm SQOL-F với các mục đề cập đến sự hài lòng hoặc khó khăn trong đời sống tình dục ở mỗi nhóm và quan sát thấy mối tương quan có ý nghĩa (tích cực cho sự hài lòng và tiêu cực cho sự đau khổ) cho cả ba nhóm.
Bảng 7. Mối tương quan giữa tổng điểm về chất lượng cuộc sống tình dục nữ với sự hài lòng hoặc khó khăn liên quan đến đời sống tình dục
Danh mục |
Nhóm bị chấn thương tuỷ sống |
Nhóm bị rối loạn chức năng tình dục |
Nhóm bình thường |
|||
Giá trị r |
Giá trị P |
Giá trị r |
Giá trị P |
Giá trị r |
Giá trị P |
|
Khó khăn |
-0,63 |
<0,0001 |
-0,56 |
<0,0001 |
-0,62 |
<0,0001 |
Hài lòng |
0,76 |
<0,0001 |
0,53 |
<0,0001 |
0,69 |
<0,0001 |
Mối tương quan giữa tổng điểm SQOL-F với số lượng các triệu chứng tình dục cho mỗi nhóm cũng được đánh giá và đã tìm thấy mối tương quan nghịch đáng kể ở cả ba nhóm. Đối với nhóm tổn thương tuỷ sống, mối tương quan là −0,55 (P <0,0001); đối với nhóm rối loạn chức năng tình dục, mối tương quan là -0,38 (P <0,0001); và đối với nhóm bình thường, mối tương quan là -0,45 (P <0,0004).
Nghiên cứu 3: Kiểm tra độ tin cậy test-retest
Một nghiên cứu nhỏ riêng biệt đã được thực hiện để đánh giá độ tin cậy test-retest của bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ. Đây là thông số cho biết sự ổn định của phép đo theo thời gian. Nhóm tác giả dự kiến trong vòng 2 tuần, các thông số về chất lượng cuộc sống không thay đổi, do đó họ đã tiến hành đánh giá chất lượng cuộc sống tình dục nữ hai lần và so sánh các câu trả lời. Nếu có sự khác biệt lớn giữa hai lần sẽ phản ánh sự không ổn định của thang đo và cho thấy bộ câu hỏi không phát hiện được những thay đổi theo thời gian, có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Đối tượng nghiên cứu
Một tính toán từ nhóm tác giả cho thấy nghiên cứu thực hiện trên 25 nữ giới, tương ứng với 80% khả năng phát hiện với P <0,05. Điểm chênh lệch giữa hai lần đánh giá là 7,0 (tương đương 8% thay đổi so với tổng điểm ban đầu là 91,0), giả sử độ lệch chuẩn 19,0. Những số liệu này được xác định dựa trên các bộ câu hỏi SQOL-F được sử dụng trước đây.
Nhóm tác giả đã tìm kiếm các đối tượng nghiên cứu ở Anh thông qua các truyền thông và đã có 30 phụ nữ hồi đáp để nhận được bộ câu hỏi từ nghiên cứu. Tỷ lệ trả lời bộ câu hỏi đầu tiên là 87% (n = 26) và 96% cho bộ câu hỏi thứ hai (n = 25). Trong tổng số người tham gia trả lời câu hỏi, có 25 phụ nữ hoàn thành cả hai bộ câu hỏi và đây là những mẫu được dùng để phân tích. Tuổi trung bình của các phụ nữ tham gia nghiên cứu là 33, trải dài từ 18 đến 58 tuổi.
Phương pháp nghiên cứu
Các đối tượng sẵn sàng tham gia nghiên cứu sẽ được gửi một bản sao của bộ câu hỏi SQOL-F, một bảng thông tin, giấy chấp thuận, và một bảng câu hỏi về các thông tin chung như đặc điểm nhân khẩu học, tình trạng sức khoẻ chung, chức năng tình dục cũng như ngày hoàn thành bảng câu hỏi. Ngoài ra một bộ câu hỏi bổ sung về đời sống tình dục cũng được cung cấp để thu thập các thông tin về sự thay đổi theo hướng tích cực hay tiêu cực của sức khoẻ tình dục so với hai tuần trước đó. Khi nhận lại bảng câu hỏi đầu tiên đã hoàn thành, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục gửi bản sao thứ hai của bộ câu hỏi để đảm bảo người tham gia nghiên cứu đã hoàn thành từng bộ câu hỏi một cách độc lập. Thời gian trung bình giữa thử nghiệm và kiểm tra lại là 13,4 ngày (trung bình 13 ngày).
Kết quả
Các dữ liệu của hai lần đánh giá được so sánh thông qua chỉ số đồng nhất và kiểm định bắt cặp Wilcoxon. Kết quả cho thấy điểm trung bình ± độ lệch chuẩn của bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống thu thập trong lần 1 là 90,68 ± 14,97 và lần 2 là 90,16 ± 14,13. Sự khác biệt trung bình trong thay đổi điểm số giữa hai lần đánh giá này là 0,52, tương ứng với mức thay đổi 0,6%. Giá trị Wilcoxon P là 0,367 thể hiện không có sự khác biệt đáng kể về điểm số giữa hai lần đánh giá, điều này phù hợp với một thước đo ổn định để kiểm tra độ tin cậy test-retest tốt. Chỉ số đồng nhất là 0,85 (P <0,0001), cho thấy hai điểm số có tương quan cao.
Thảo luận
Bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống tình dục nữ (SQOL-F) là một thang đo tự báo cáo để đánh giá tác động của rối loạn chức năng tình dục đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Nội dung các mục của bộ câu hỏi ban đầu được xây dựng từ câu trả lời tổng hợp của 82 phụ nữ tham gia phỏng vấn bán cấu trúc để đề cập đến các hậu quả của rối loạn chức năng tình dục đối với bản thân họ, với bạn đời và mối quan hệ giữa hai người. Các danh mục trong bộ câu hỏi phản ánh ba ảnh hưởng cụ thể của rối loạn chức năng tình dục đến người phụ nữ bao gồm lòng tự tôn, các vấn đề cảm xúc và các vấn đề trong mối quan hệ giữa hai người. Tuy nhiên, khi phân tích đã cho thấy tất cả các yếu tố trên có liên quan chặt chẽ với nhau và cần được đánh giá trong một thang điểm chung hơn là riêng lẻ từng yếu tố.
Việc sử dụng SQOL-F trong một mẫu gồm 730 phụ nữ đã chứng minh đây là bộ công cụ có các đặc tính đo lường tâm lý tốt, bao gồm tính hợp lệ của các nhóm đã biết, giá trị hội tụ và chỉ số đồng nhất. Đồng thời khi sử dụng bộ công cụ này cho một nghiên cứu ở các đối tượng lâm sàng cụ thể gồm phụ nữ bị tổn thương tuỷ sống, phụ nữ có thể trạng bình thường nhưng rối loạn chức năng tình dục và phụ nữ khoẻ mạnh về cả thể trạng lẫn chức năng tình dục cũng khẳng định giá trị phân biệt và giá trị hội tụ tốt của công cụ. Thông qua các câu trả lời, có thể phân biệt được chất lượng cuộc sống tình dục ở phụ nữ bình thường và bị rối loạn chức năng tình dục. Độ tin cậy test-retest cũng được xác nhận trong các nghiên cứu. Do đó, chất lượng cuộc sống tình dục được xem là công cụ chính đánh giá chất lượng cuộc sống cũng như hỗ trợ cho các thử nghiệm lâm sàng về rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới.
Trong tương lai, các nghiên cứu về chất lượng cuộc sống tình dục nữ nên kiểm tra thêm độ nhạy của công cụ này với tác dụng điều trị. Đồng thời nghiên cứu sâu hơn tính hữu dụng của bộ câu hỏi ở các đối tượng bệnh nhân khác nhau như những người bị rối loạn chức năng tình dục có tiền sử bệnh tiểu đường hay đa xơ cứng rải rác. Điều này giúp xác định rõ những thay đổi trong tổng điểm chất lượng cuộc sống tình dục có ý nghĩa về mặt lâm sàng.
Nhìn chung, các mục trong bộ câu hỏi đều liên quan đến “đời sống tình dục”, do đó SQOL-F cũng có thể sử dụng để đánh giá các tác động của tình dục đến cuộc sống của người bạn đời, bạn tình. Đây là một hướng nghiên cứu cần được khai thác thêm. Năm 2002, Symonds và cộng sự đã sửa đổi một vài điểm trong bộ câu hỏi để sử dụng nó cho nam giới bị rối loạn chức năng tình dục như rối loạn cương dương và xuất tinh sớm.
Tóm lại, các nghiên cứu và dữ liệu đã thu nhận được này đã chứng minh rằng SQOL-F là một thước đo hợp lệ, có thể sử dụng như một biện pháp hỗ trợ đánh giá nhiều đặc diểm của chức năng tình dục trong nghiên cứu cũng như trong thử nghiệm lâm sàng.
PHỤ LỤC
Bộ câu hỏi về chất lượng cuộc sống tình dục nữ
Bộ câu hỏi phiên bản 1 |
Bộ câu hỏi phiên bản 2 |
1. Khi nghĩ về tình dục, đó là một phần thú vị trong cuộc sống của tôi. |
1. Khi nghĩ về tình dục, đó là một phần thú vị trong cuộc sống của tôi. |
2. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy hài lòng về bản thân mình. |
2. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy thất vọng. |
3. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy thất vọng. |
3. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy chán nản. |
4. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy chán nản. |
4. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy mình không giống một người phụ nữ. |
5. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy mình không giống một người phụ nữ. |
5. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy hài lòng về bản thân mình. |
6. Tôi đã mất sự tự tin vào bản thân khi trở thành bạn tình của ai đó. |
6. Tôi đã mất sự tự tin vào bản thân khi trở thành bạn tình của ai đó. |
7. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy lo lắng. |
7. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy lo lắng. |
8. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy gần gũi với bạn đời của mình. |
8. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy tức giận. |
9. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy mình có thể chia sẻ với bạn đời của mình các vấn đề liên quan. |
9. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy gần gũi với bạn đời của mình. |
10. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy tức giận. |
10. Tôi lo lắng về tương lai đời sống tình dục của mình. |
11. Tôi lo lắng về tương lai đời sống tình dục của mình. |
11. Tôi bị mất khoái cảm khi quan hệ tình dục. |
12. Tôi bị mất khoái cảm khi quan hệ tình dục. |
12. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy xấu hổ. |
13. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy xấu hổ. |
13. Khi nghĩ về tình dục, tôi cảm thấy mình có thể chia sẻ với bạn đời của mình các vấn đề liên quan. |
14. Tôi cố gắng tránh né các hoạt động tình dục. |
14. Tôi cố gắng tránh né các hoạt động tình dục. |
15. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy tội lỗi. |
15. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy tội lỗi. |
16. Khi nghĩ về tình dục, tôi lo lắng vì bạn tình có thể bị tổn thương hoặc bị kích động. |
16. Khi nghĩ về tình dục, tôi lo lắng vì bạn tình có thể bị tổn thương hoặc bị kích động. |
17. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy như mình đã mất đi thứ gì đó. |
17. Khi nghĩ về tình dục, tối cảm thấy như mình đã mất đi thứ gì đó. |
18. Khi nghĩ về tình dục, tôi lo lắng rằng bạn tình đang đi tìm kiếm người khác. |
18. Khi nghĩ về tình dục, tôi hài lòng với tần suất quan hệ tình dục. |
19. Khi nghĩ về tình dục, tôi hài lòng với tần suất quan hệ tình dục. |
|
CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ