RỐI LOẠN CHỨC NĂNG TÌNH DỤC NAM GIỚI

Nguồn:       Nội dung: HueCREI       Lượt đọc: 355

Theo Phân loại Bệnh tật của Tổ chức Y tế Thế giới ICD-10, rối loạn chức năng tình dục được định nghĩa là những khó khăn khiến một cá nhân không thể quan hệ tình dục như họ mong muốn. Hệ thống định nghĩa – phân loại rối loạn chức năng tình dục được sử dụng hiện nay thuộc Hội Tâm thần học Hoa Kỳ và đã được công bố trong Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần (DSM) với nhiều phiên bản sửa đổi. Trong đó, phiên bản DSM – IV được sử dụng phổ biến trong cả lĩnh vực nghiên cứu lẫn trên thực tế lâm sàng, phân loại rối loạn chức năng tình dục cơ bản dựa vào các giai đoạn của chu kỳ đáp ứng tình dục, tương đồng ở hai giới. DSM – V là phiên bản mới nhất, phân loại rối loạn chức năng tình dục riêng biệt cho nam và nữ. Bài viết này sẽ đề cập đến định nghĩa – phân loại rối loạn chức năng tình dục nam theo DSM – IV và thêm những điểm mới từ DSM – V. 

1. Rối loạn ham muốn tình dục (Sexual Desire Disorders) được đặc trưng bởi rối loạn giảm ham muốn tình dục và rối loạn ác cảm tình dục. Những rối loạn này có thể xảy ra ở cả hai giới, tuy nhiên, tần suất xuất hiện rối loạn ở nam giới lại thấp hơn đáng kể.

Rối loạn giảm ham muốn tình dục (Hypoactive Sexual Desire Disorder) là tình trạng thiếu hụt hoặc không có các tưởng tượng về tình dục hay ham muốn đối với hoạt động tình dục, khiến đàn ông dần trở nên nguội lạnh với chuyện chăn gối. Tình trạng này có thể là kết quả của các rối loạn về sinh lý hay tâm lý và khi kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm, chất lượng cuộc sống hôn nhân và gia đình. Tỷ lệ nam giới bị rối loạn giảm ham muốn tình dục vẫn chưa được công bố rõ ràng. Tuy nhiên dựa vào những khảo sát ở phụ nữ, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán tỷ lệ rối loạn giảm ham muốn tình dục ở nam giới là từ 1 – 20% tuỳ thuộc vào độ tuổi, quốc gia và phương pháp đánh giá. 

Hình 1. Người đàn ông không có ham muốn tình dục với bạn tình

Rối loạn ác cảm tình dục (Sexual Aversion Disorder) là tình trạng cực kỳ ác cảm và tránh né hầu hết hoặc toàn bộ những tiếp xúc tình dục với bạn tình ở đường sinh dục. Có hai dạng rối loạn ác cảm tình dục là nguyên phát hoặc thứ phát. Trong đó, rối loạn ác cảm nguyên phát được hình thành từ các phản ứng tiêu cực hoặc không nồng nhiệt với các hành động thân mật trước khi trải qua hoạt động tình dục lành mạnh. Điều này thường xảy ra ở những người đàn ông được nuôi dưỡng trong môi trường tôn giáo nghiêm ngặt, xa lánh các hành vi tình dục từ bé. Ngược lại, rối loạn ác cảm tình dục thứ phát lại xuất hiện khi nam giới có các trải nghiệm tình dục tiêu cực hay sau một thời gian quan hệ tình dục lành mạnh với đối phương. 

2. Rối loạn cương dương (Erectile Disorder) là tình trạng không có khả năng đạt được hoặc duy trì đầy đủ sự cương cứng dương vật để hoạt động tình dục. Nam giới bị rối loạn cương dương khi có ít nhất một trong các biểu hiện dưới đây và diễn ra trong hầu hết hoặc tất cả các lần hoạt động tình dục.

- Khó khăn để đạt được sự cương dương trong lúc quan hệ tình dục.

- Khó khăn để duy trì độ cương cứng trong suốt quá trình quan hệ cho tới lúc xuất tinh.

- Giảm đáng kể độ cứng của dương vật khi cương. 

Ngoài ra một số nam giới bị rối loạn cương cũng gặp tình trạng dương vật có thể cương bất cứ lúc nào như khi đang làm việc, đang ngủ nhưng ngoại trừ khi hoạt động tình dục. 

Nghiên cứu từ Đại học Massachusetts (Hoa Kỳ) cho thấy rối loạn cương dương có thể xuất hiện ở khoảng 50% nam giới trong độ tuổi từ 40 – 70, trong số đó nam giới dưới 40 tuổi chiếm 40%. Người ta cũng ước tính trên thế giới có khoảng 150 triệu nam giới mắc rối loạn cương dương. Tại Việt Nam, rối loạn này ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa khi nguy cơ mắc bệnh ở nam giới từ 18 – 20 có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. 

Hình 2. Rối loạn cương dương gây khó khăn cho nam giới

3. Rối loạn cực khoái (Orgasmic Disorder) là tình trạng thiếu hoặc không đạt được cực khoái sau một cuộc giao hợp trong khi những giai đoạn còn lại của chu kỳ đáp ứng tình dục vẫn diễn ra bình thường. Bên cạnh đó cũng có một số nam giới đã đạt cực khoái nhưng không thể xuất tinh và không phải mọi lần xuất tinh đều đạt cực khoái. 

Trong phiên bản DSM – V, Rối loạn cực khoái được thay thế bằng Xuất tinh chậm (Delayed Ejaculation). Đây cũng là một dạng rối loạn ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản và chất lượng cuộc sống tình dục của nam giới cũng như bạn tình. Thời gian xuất tinh được tính từ khi người đàn ông đưa dương vật vào âm đạo của người phụ nữ đến khi xuất tinh, quá trình này thường kéo dài từ 5 – 15 phút. Nam giới xuất tinh chậm thường cần nhiều thời gian hơn cho giai đoạn này, điều đó gây ra áp lực lớn cho túi tinh cũng như khiến người đàn ông không đạt được cảm xúc trọn vẹn trong cuộc yêu. Xuất tinh muộn có thể là tình trạng khởi phát ngay khi nam giới dậy thì hoặc thứ phát sau một khoảng thời gian hoạt động tình dục bình thường. Tình trạng này cũng có thể xảy ra nhiều hơn ở đàn ông thủ dâm thường xuyên hơn. 

4. Xuất tinh sớm (Premature Ejaculation) là tình trạng xuất tinh trước, trong hoặc sau khi dương vật đưa vào âm đạo một thời gian ngắn, chỉ với sự kích thích tình dục tối thiểu và xảy ra sớm hơn sự mong muốn của nam giới. 

Trong DSM – V, xuất tinh sớm được cập nhật theo các tiêu chí từ ISSM. Cụ thể, tình trạng này được đặc trưng bởi các tiêu chí: 

- Luôn luôn hoặc gần như mọi lần đều xuất tinh trước hoặc trong vòng 1 phút sau khi đưa dương vật vào âm đạo (xuất tinh sớm nguyên phát) hoặc có sự giảm đáng kể về thời gian giao hợp để xảy ra xuất tinh trong âm đạo còn dưới 3 phút (xuất tinh sớm thứ phát). 

- Không có khả năng trì hoãn sự xuất tinh trong tất cả hoặc gần như mọi lần giao hợp. 

- Gây ra cảm xúc tiêu cực, khó khăn, ức chế, thất vọng về bản thân, dẫn đến né tránh thân mật tình dục với bạn tình. 

Xuất tinh sớm được phân thành các mức tuỳ vào thời gian xuất tinh khi dương vật xâm nhập vào âm đạo. Mức độ nhẹ khi diễn ra trong khoảng 30 giây đến 1 phút; vừa phải khi diễn ra trong khoảng 15 – 30 giây và nghiêm trọng khi xuất tinh sớm xảy ra trước hoặc ngay khi bắt đầu quan hệ tình dục hay chỉ trong vòng 15 giây sau khi đưa dương vật vào âm đạo. 

Theo điều tra quốc gia về sức khỏe và đời sống xã hội, có khoảng 30 – 40% nam giới ở tất cả các lứa tuổi gặp phải tình trạng xuất tinh sớm. Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi tác, trái với rối loạn cương có xu hướng tăng theo tuổi.

Hình 3. Xuất tinh sớm làm ảnh hưởng cuộc yêu

5. Giao hợp đau (Dyspareunia) là tình trạng đau tại cơ quan sinh dục có liên quan đến giao hợp. Tình trạng này có thể xuất hiện khi bắt đầu giao hợp, trong khi thực hiện các hoạt động co thắt, hoặc sau khi giao hợp xong. Nam giới thường cảm nhận được các cơn đau từ vùng chậu, căng cơ hay sự đau rát dương vật ngay sau khi quan hệ tình dục xong. 

Tóm lại, các rối loạn chức năng tình dục nam có thể được xác định khi các triệu chứng xuất hiện trong tất cả hoặc gần như mọi cuộc yêu và tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng, gây ức chế, khó chịu cho bản thân người đàn ông cũng như cho bạn tình, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ xung quanh. 

Tài liệu tham khảo

  1. Brotto LA. The DSM Diagnostic Criteria for Hypoactive Sexual Desire Disorder in Men. The Journal of Sexual Medicine. 2010;7(6):2015–2030. doi:10.1111/j.1743-6109.2010.01860.x
  2. Feldman HA, Goldstein I, Hatzichristou DG, Krane RJ, McKinlay JB. Impotence and its medical and psychosocial correlates: results of the Massachusetts Male Aging Study. J Urol. 1994;151:54–61.
  3. Sexual dysfunctions. In: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders DSM – V. 5th ed. Arlington, Va.: American Psychiatric Association. 2013. 
  4. PGS.TS Đỗ Trọng Hiếu, Dương Trọng Hiếu, BS. Nguyễn Bá Hưng. Rối loạn tình dục và hiếm muộn ở nam giới. Nhà xuất bản Y học. 2013.

CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ





TRUNG TÂM NỘI TIẾT SINH SẢN VÀ VÔ SINH

Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế
41 Nguyễn Huệ, TP Huế, Việt nam
0234.626.9696
0989.228.779
yhocsinhsan.hue@gmail.com

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI