RỐI LOẠN CHỨC NĂNG TÌNH DỤC NỮ SƠ KHAI

Nguồn:       Nội dung: HueCREI       Lượt đọc: 295

Giai đoạn dậy thì – vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp giữa thiếu nhi và tuổi trưởng thành. Bước vào tuổi dậy thì, dưới ảnh hưởng của các hormone nội tiết, cơ thể phát triển mạnh và xuất hiện nhu cầu sinh lý. Các bé gái trải qua rất nhiều thay đổi về thể chất lẫn cảm xúc, đây là điều hoàn toàn bình thường của quá trình phát triển. Trong số những thay đổi về cảm xúc thì gia tăng ham muốn tình dục là một biểu hiện của tuổi dậy thì. Tìm hiểu về tình dục là một phần quan trọng của quá trình phát triển con người. Tuy nhiên, nhu cầu sinh lý khác nhau ở mỗi người có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố: di truyền, thể trạng, môi trường sống, văn hóa xã hội,… Theo Tổ chức Y tế thế giới, “rối loạn chức năng tình dục” được định nghĩa là những khó khăn khiến một cá nhân không thể quan hệ tình dục như họ mong muốn. Tình trạng này có thể lặp đi lặp lại trong bất kỳ giai đoạn nào của chu kỳ đáp ứng tình dục và có thể ảnh hưởng ngay từ những năm đầu của đời sống tình dục, có thể ở lứa tuổi vị thành niên.

Rối loạn chức năng tình dục nữ là vấn đề khá phổ biến ở tuổi trưởng thành với tỷ lệ khoảng từ 25-64% trong các nghiên cứu tuy nhiên ở đối tượng vị thành niên, rối loạn này vẫn chưa được quan tâm nhiều. Rối loạn tình dục ở tuổi vị thành niên có nhiều khả năng xảy ra là do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức và thiếu sự tin tưởng về đối tác. Các bệnh lây qua đường tình dục, dị tật bẩm sinh hay tiền sử bị lạm dụng tình dục cũng là những yếu tố tiềm ẩn cho những rối loạn tình dục và rối loạn tâm lý có thể xuất phát từ độ tuổi vị thành niên và diễn biến nặng lên ở tuổi trưởng thành gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tình dục.

Theo báo cáo gần đây của O'Sullivan và cộng sự tiến hành năm 2016, các vấn đề về rối loạn chức năng tình dục thường xuất hiện sớm trong đời sống tình dục, thường gây đau khổ và dường như khó thay đổi trong tương lai. Nghiên cứu ghi nhận có đến 84,4% nữ giới vị thành niên gặp các vấn đề trong quá trình quan hệ tình dục, cụ thể: không thể đạt được cực khoái (59,2%),  giảm sự thõa mãn tình dục (48,3%), và đau khi quan hệ (46,9%) [2]. Một báo cáo khác cùng năm (2016) cho thấy tỷ lệ rối loạn chức năng tình dục ở nữ trẻ tuổi chiếm 48% [3]. 

1. Rối loạn ham muốn tình dục (Sexual Desire Disorders)

Ham muốn tình dục (libido) là một trạng thái thôi thúc tình dục của một người, làm tăng sự chú ý đến các kích thích tình dục,  tuy nhiên khó xác định, ngay cả đối với người trưởng thành. Ở tuổi vị thành niên, ham muốn tình dục có 3 biểu hiện liên quan đến sự phát triển tình dục: (1) nhận thức về tình dục, (2) cảm thấy ham muốn một người khác và (3) mong muốn bản thân có thể hấp dẫn người khác [4]. Vào giai đoạn này, sự gia tăng ham muốn tình dục là một yếu tố quan trọng trong việc tự phát triển năng lực tình dục của bản thân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các bạn nữ hầu như không có hoặc thiếu hụt các tưởng tượng về tình dục và ham muốn hoạt động tình dục trong một thời gian kéo dài. Tình trạng này được hiểu là rối loạn giảm ham muốn tình dục (Hypoactive Sexual Desire Disorder).

Một trong những yếu tố chính tác động đến rối loạn giảm ham muốn tình dục ở lứa tuổi này là từ phía gia đình. Theo văn hóa Á Đông, giới tính và tình dục là những điều tế nhị nên bố mẹ thường né tránh dạy con về vấn đề này hoặc thậm chí cấm đoán một cách tiêu cực, đặc biệt là ở nữ giới. Chính sự cấm đoán này vô hình dung đã tạo ra tâm lý lo lắng, sợ sệt khi bản thân bắt đầu có những suy nghĩ và ham muốn về tình dục, lâu dần sẽ trở thành một rào cản tạo thuận lợi cho chứng giảm ham muốn tình dục. Những bóng ma tâm lý từ thời niên thiếu như tiền sử bị lạm dụng tình dục, tình cảm gia đình không hạnh phúc, bố mẹ li dị cũng là những yếu tố góp phần không nhỏ trong việc hình thành các rối loạn ham muốn tình dục của trẻ. 

Ngoài ra, một số bệnh phụ khoa có thể phát sinh từ tuổi vị thành niên và gây ra tâm lý thiếu tự tin và không muốn quan hệ tình dục. Trong một số trường hợp, tình trạng khô âm đạo và suy giảm ham muốn tình dục khiến cho việc quan hệ tình dục khó khăn, thậm chí gây đau rát khó chịu, dường như là nguyên nhân song cũng có thể là hậu quả lẫn nhau. Một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2016 đã đưa ra kết luận rằng giảm ham muốn tình dục là rối loạn thường gặp ở nữ giới trẻ tuổi chiếm 26% [3].

2. Rối loạn hưng phấn tình dục hay còn gọi là rối loạn kích thích tình dục (Sexual Arousal Disorder)

Khi nữ giới được kích thích tình dục, cơ thể của họ sẽ phản ứng với những thay đổi về thể chất, chẳng hạn như âm đạo tiết dịch bôi trơn, cương phồng và nóng ran ở cơ quan sinh dục. Rối loạn hưng phấn tình dục xảy ra khi cơ thể không có khả năng đáp ứng với các kích thích tình dục, chẳng hạn như âm đạo không tiết đủ chất nhờn hay gặp các vấn đề về lưu thông máu. Khi gặp phải tình trạng này, sự ham muốn tình dục vẫn ổn định nhưng lại có khó khăn trong vấn đề hưng phấn và duy trì trạng thái hưng phấn cũng như đạt đến mức độ cực đỉnh khi quan hệ tình dục.

Các chỉ số về khả năng kích thích tình dục ở phụ nữ trẻ tuổi thường không rõ ràng bằng khả năng cương cứng ở nam giới, phụ nữ có thể không thủ dâm thường xuyên bởi ít nhận thức được về cảm giác hưng phấn của bản thân mình. Và hơn nữa, sự giảm thiểu hoặc không có hưng phấn tình dục được xem là một chứng rối loạn chỉ khi nó gây cảm giác đau khổ cho nữ giới. Chính vì những lý do này, ở lứa tuổi vị thành niên, rối loạn hưng phấn tình dục thường ít gặp phải, đặc biệt là ở nữ giới. Tuy vậy, một số nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến bao gồm: sự lo lắng ở tuổi mới lớn, trầm cảm, căng thẳng dưới tác động của xã hội, đời sống và gia đình, lạm dụng tình dục hoặc chấn thương tâm lý trong quá khứ, nồng độ hormone sinh dục thấp, các vấn đề về lưu lượng máu hoặc các dây thần kinh trong cơ quan sinh dục và đôi khi, nguyên nhân bắt nguồn từ đối tác.

3. Rối loạn cực khoái (Orgasmic Disorder)

Cực khoái là một cảm giác khoái cảm mãnh liệt về thể xác và giải phóng căng thẳng. Kèm theo đó là những cơn co thắt tự động, nhịp nhàng của cơ sàn chậu. Tuy nhiên, mỗi người phụ nữ sẽ cảm nhận cực khoái theo các cách khác nhau.

Chưa có báo cáo nào về tâm lý liên quan đến cực khoái của thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Theo một nghiên cứu hồi cứu, độ tuổi trung bình của nữ giới tại lần cực khoái đầu tiên là 17 tuổi [5]. Mặc dù những dữ liệu này chỉ đề cập đến cực khoái nhờ vào hình thức thủ dâm nhưng vẫn chứng minh được rằng tuổi vị thành niên có khả năng đạt cực khoái. Theo nghiên cứu của Raboch & Bartak (1983),  khoảng 10% nữ giới vị thành niên có đạt cực khoái khi quan hệ tình dục lần đầu tiên với bạn khác giới [6]. Có thể bắt gặp rối loạn khoái cảm tình dục tình dục ở nữ giới mắc các vấn đề về rối loạn tâm lý, ví dụ như chịu đựng cảm giác tội lỗi và lo âu do họ từng là nạn nhân của tấn công tình dục.

4. Đau khi giao hợp (Sexual Pain Disorders)

Vào tuổi dậy thì, cơ quan sinh dục của nữ chưa hoàn thiện. Cả âm đạo (bề mặt âm đạo mỏng) và âm hộ đều còn khá yếu, vì thế nếu quan hệ tình dục sớm, màng trinh bị rách nghiêm trọng có thể dẫn đến chảy máu âm đạo, các cơ âm đạo không được thư giãn và dẫn đến tình trạng giao hợp đau (Dyspareunia). Tình trạng này có thể xuất hiện khi bắt đầu giao hợp, trong khi thực hiện các hoạt động co thắt, tại thời điểm đạt cực khoái hoặc sau khi giao hợp xong. Cảm giác bỏng rát, đau buốt hoặc chuột rút có thể xảy ra bên trong hoặc bên ngoài âm đạo hoặc sâu hơn nữa là trong vùng xương chậu và bụng.

Ở tuổi vị thành niên, lần đầu quan hệ tình dục thường đi kèm với sự hoảng sợ, áp lực tâm lý và có thể dẫn đến phát triển chứng co thắt âm đạo (Vaginismus). Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp của nữ giới có RLCNTD. Cụ thể, các cơ thắt tại âm đạo mất chức năng hoặc co bóp liên tục không tự chủ khi dương vật xâm nhập, khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên khó khăn. Tình trạng này có thể nhận biết sớm ở tuổi dậy thì nếu có cảm giác đau dữ dội khi sử dụng Tampon vào chu kỳ kinh nguyệt (Tampon là một loại băng vệ sinh được thiết kế đặc biệt để đưa vào âm đạo). Co thắt âm đạo có thể tồn tại dai dẳng suốt đời, làm cho các bạn nữ không thể hoặc hạn chế khả năng giao hợp.

Ở nữ giới, màng trinh được xem là một bộ phận có liên quan đến tình dục sơ khai. Lớp màng này cách cửa âm đạo từ 2 – 3 cm, có một lỗ hay nhiều lỗ để kinh nguyệt có thể thoát ra ngoài. Lớp màng trình dày hay mỏng sẽ phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Những người chưa từng quan hệ tình dục, trong lần quan hệ tình dục đầu tiên sẽ phải chịu những cơn đau rát âm đạo rất khó chịu. Lúc này, “cô bé” còn nhỏ và thiếu chất bôi trơn nên khi dương vật xâm nhập vào thì âm đạo phải chịu sức căng giãn lớn gây rách màng trinh và chảy máu. Do đó, đau đớn trong lần quan hệ đầu tiên có thể là nỗi ám ảnh của nhiều người. Ngoài ra, sự thay đổi của môi trường âm đạo sau khi bị viêm nhiễm, sự suy giảm nội tiết tố, đặc biệt là lạc nội mạc tử cung và các lần phẫu thuật dị tật của các cơ quan sinh dục, các bệnh lây qua đường sinh dục, mô sẹo đường sinh dục đều có thể là nguyên nhân gây nên rối loạn này. 

Đau khi quan hệ tình dục (Dyspareunia) là một vấn đề sức khỏe rất phổ biến nhưng lại ít được quan tâm. Tỷ lệ hiện mắc được ước tính dao động từ 3-18% trên toàn cầu [7]. Một nghiên cứu trên 300 bé gái tuổi vị thành niên Thụy Điển (13-21 tuổi), có 203 người có quan hệ tình dục. Gần 1 nửa trong số đó cảm thấy đau khi giao hợp. Cơn đau này có cảm giác đau nhói chiếm 58%, cảm giác khô 19%, bỏng rát 13%, ngứa 10%. Một cuộc đánh giá tiếp theo ở 1 nhóm nhỏ những người phụ nữ này cho thấy có sự khác nhau đáng kể về thời gian cũng như cường độ đau. Hầu hết các bạn gái không cho bạn tình biết về nỗi đau mà họ phải trải qua và vẫn tiếp tục quan hệ tình dục [8].

Theo một nghiên cứu tại Anh (2017) cho thấy có 7,5% phụ nữ phải đối mặt với cảm giác đau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo [9]. Theo các nhà nghiên cứu, cơn đau này có thể nhiều hơn ở thanh thiếu niên vì họ thường hoạt động tình dục trong thời gian ngắn hơn, ít kinh nghiệm hơn. Nghiên cứu của O'Sullivan và cộng sự (2016) ghi nhận rằng tỷ lệ đau khi quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên chiếm 46,9%. Một báo cáo khác cùng năm (2016) cho thấy đau khi giao hợp chỉ chiếm 21% ở nữ giới.

5. Bàn luận

Tình dục là một khía cạnh cơ bản của con người, và hoạt động tình dục là 1 phần quan trọng trong sự phát triển của thanh thiếu niên. Ở độ tuổi vị thành niên, các em cần được tiếp cận với nhiều thông tin, giáo dục nhằm nhận được sự hỗ trợ về sức khỏe sinh sản và tình dục. 

Cho đến nay, các nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ hoạt động tình dục ở tuổi vị thành niên khá cao nhưng tỷ lệ rối loạn chức năng tình dục ở độ tuổi này vẫn còn chưa rõ ràng. Trong một cuộc điều tra năm 2015-1017, 40% thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 đã từng quan hệ tình dục qua đường âm đạo, 45% đã từng quan hệ tình dục bằng miệng với bạn khác giới và 9% có quan hệ tình dục qua đường hậu môn với bạn tình khác giới. Trong số những trường hợp quan hệ tình dục qua đường âm đạo, có 75% nữ giới cho biết lần đầu tiên giao hợp của họ rất suôn sẻ và nhịp nhàng [10].

Tỷ lệ RLCNTD ở thanh niên thường được nghiên cứu cùng với người trưởng thành và hiếm khi được phân tách riêng biệt. Chẳng hạn như: Rosen và cộng sự đánh giá tỷ lệ rối loạn chức năng tình dục trên cỡ mẫu là 329 phụ nữ (18-73 tuổi) nhưng không đánh giá tỷ lệ RLCNTD của thanh niên một cách riêng biệt với người trưởng thành [12]. Các nghiên cứu trước đây về rối loạn chức năng tình dục thường tiếp cận những phụ nữ từ 18 tuổi trở lên và ít chú ý đến phụ nữ dưới 18 tuổi hoặc thường tập trung vào việc mang thai ở tuổi vị thành niên hay các bệnh lây qua đường tình dục, chứ chưa tập trung vào vấn đề thế nào là tình dục an toàn, thế nào rối loạn chức năng tình dục [11]. Dường như các khảo sát về mức độ tác động của rối loạn chức năng tình dục lên nữ giới vị thành niên còn tương đối ít. Bên cạnh đó, tuổi tác rõ ràng có liên quan đến việc bắt đầu rối loạn chức năng tình dục, nhưng hầu hết các nghiên cứu đều khám phá các giai đoạn cuối của tuổi trưởng thành. 

Hình 1: Né tránh những cử chỉ thân mật của bạn tình là một biểu hiện của giảm ham muốn tình dục ở nữ giới

Hình 2: Sự chán ghét và không sẵn sàng khi đề cập đến vấn đê quan hệ tình dục

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Laumann EO, Paik A, Rosen RC. Sexual dysfunction in the United States: prevalence and predictors. JAMA. 1999;281(6):537–44.
  2. O'Sullivan et al. A Longitudinal Study of Problems in Sexual Functioning and Related Sexual Distress Among Middle to Late AdolescentsJournal of Adolescent Health. 2016; 59(3):318-324.
  3. Caroline Moreau, Anna E Kagesten, Robert Wm Blum. Sexual dysfunction among youth: an overlooked sexual health concernBMC Public Health. 2016; 16: 1170.
  4. J. Dennis FortenberryPuberty and Adolescent SexualityHormones and Behavior. 2013; 64(2): 280–287. 
  5. Reynolds MA, Herbenick DL. Using computer-assisted self-interview (CASI) for recall of childhood sexual experiencesSexual Development in Childhood2003; 77–81.
  6. J Raboch, V BartákCoitarche and orgastic capacityArchives of Sexual Behavior.1983; 12(5):409-13.
  7. Binik, Y.M. Should Dyspareunia Be Retained as a Sexual Dysfunction in DSM-V? A Painful Classification Decision. Arch Sex Behav. 2005; 34:11–21.
  8. Elmerstig E, Wijma B, Swahnberg K. Young Swedish women’s experience of pain and discomfort during sexual intercourseActa Obstet Gyn Scan. 2009; 88(1):98–103.
  9. Mitchell et al. Painful sex (dyspareunia) in women: prevalence and associated factors in a British population probability surveyAn International Journal of Obstetrics & Gynaecology. 2017; 124(11):1689-1697.
  10. Lindberg LD, Maddow-Zimet I, Boonstra H. Changes in adolescents’ receipt of sex education, 2006–2013Journal of Adolescent Health. 2016, 58(6):621–627.
  11. Greydanus DE, Matytsina L. Female sexual dysfunction and adolescentsCurrent Opinion in Obstetrics & Gynecology. 2010; 22(5):375-80.
  12. Rosen RC, Taylor JF, Leiblum SR, Bachmann GA. Prevalence of sexual dysfunction in women: results of a survey study of 329 women in an outpatient gynecological clinic. J Sex Marital Ther. 1993;19(3):171–88.

CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ





TRUNG TÂM NỘI TIẾT SINH SẢN VÀ VÔ SINH

Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế
41 Nguyễn Huệ, TP Huế, Việt nam
0234.626.9696
0989.228.779
yhocsinhsan.hue@gmail.com

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI