RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG

Nguồn:       Nội dung: HueCREI       Lượt đọc: 240

Rối loạn cương dương (hay bất lực) luôn là mối bận tâm thầm kín của phái mạnh, khiến nhiều nam giới cảm thấy tự ti trong mỗi lần gần gũi, ảnh hưởng đến đời sống chăn gối. Bệnh lý ảnh hưởng khoảng 30-50% nam giới trong độ tuổi từ 40-70 tuổi. Người ta ước tính có khoảng 150 triệu nam giới trên toàn thế giới mắc rối loạn cương dương. Ở Việt Nam, tình trạng này ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Vì thế, việc phát hiện sớm các triệu chứng để có cách xử lý kịp thời là vô cùng quan trọng, từ đó giúp cải thiện, duy trì và nâng cao khả năng sinh lý của bản thân. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về tình trạng này.

1. Rối loạn cương dương là gì?

Rối loạn cương dương là một trong những rối lọan chức năng tình dục phổ biến ở nam giới, được đặc trưng bởi tình trạng dương vật không thể cương cứng và/hoặc không đủ khả năng duy trì sự cương cứng trong khi quan hệ tình dục.

Mặc dù rối loạn cương dương không gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của nam giới nhưng nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị và là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Có thể thấy rối loạn cương dương tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống tình dục cũng như sự tự tin và bản lĩnh của người đàn ông trong cuộc yêu.

Hình: Dương vật ở trạng thái bình thường và trạng thái cương cứng

2. Nguyên nhân và những yếu tố nào ảnh hưởng đến tình trạng cương dương ở nam giới?

Rối loạn cương dương có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây nên. Muốn điều trị hiệu quả cần phải tìm được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh, có thể là những yếu tố như sau:

  • Do rối loạn nội tiết tố: giảm testosterone trong máu (mãn dục nam), tăng prolactin do khối u tuyến yên hay bệnh lý tại tuyến yên, suy tuyến giáp.
  • Do thần kinh: 

Nghiện rượu, hút thuốc lá và sử dụng các chất ma túy có thể gây nhiễm độc thần kinh.

Những người mắc bệnh đái tháo đường có tỷ lệ rối loạn cương dương cao bởi nó gây rối loạn hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, đây là hai hệ thần kinh chịu trách nhiệm điều khiển sự co thắt hay giãn nở của các cơ trơn mạch máu dương vật, từ đó tạo hiện tượng cương dương.

Sau các cuộc phẫu thuật vùng tiểu khung, bàng quang, vùng bìu bẹn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh sinh dục. 

  • Do tâm thần: trạng thái tâm lý như căng thẳng, trầm cảm, thiếu kích thích từ não và lo lắng về chất lượng cuộc yêu hay bị chấn động tâm lý đột ngột trong cuộc sống cũng là tác nhân gây rối loạn cương dương.
  • Do các vấn đề liên quan đến hệ thống mạch máu và thần kinh của dương vật: 

Rối loạn cương dương có thể xảy ra khi không đủ lượng máu đến dương vật. Nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến mạch máu và hạn chế dòng máu đến dương vật như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc tăng cholesterol trong máu,…Phổ biến nhất là bệnh lý xơ vữa động mạch, đi kèm với thoái hóa tự nhiên làm giảm khả năng giãn của động mạch và của cơ trơn thành mạch, từ đó làm giảm lượng máu đi vào dương vật. 

Ngoài ra, nếu máu không lưu lại trong dương vật khi sự cương cứng diễn ra thì việc giữ được trạng thái cương cứng là điều không thể. Vấn đề này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

  • Do các biến dạng hình thể giải phẫu dương vật: vấn đề này thường gặp ở những người mắc một số bệnh bẩm sinh như dương vật teo nhỏ, dương vật quá ngắn, dương vật chẻ đôi. 
  • Bên cạnh đó, tuổi tác, thừa cân và thiếu luyện tâp thể dục cũng là các yếu tố nguy cơ gây rối loạn cương dương.

3. Rối loạn cương dương được biểu hiện và chẩn đoán như thế nào?

Các triệu chứng lâm sàng bao gồm:

Nam giới mất hẳn ham muốn tình dục hoặc không có bất kỳ đáp ứng tình dục nào trước các kích thích khêu gợi. Vì vậy, dương vật luôn trong trạng thái “mềm”.

Nam giới vẫn còn ham muốn tình dục nhưng dương vật không thể cương cứng để quan hệ tình dục.

Dương vật vẫn cương cứng tốt nhưng không đúng thời điểm. Khi chuẩn bị lâm trận thì dương vật không thể cương cứng nhưng lại cương được trong các trường hợp bình thường, không bị kích thích về tình dục như đang đi đường, đang làm việc, đang ngủ,…

Dương vật cương đúng thời điểm giao hợp nhưng không đủ cứng để đưa vào âm đạo hoặc thời gian duy trì sự cương cứng sau khi đưa vào âm đạo quá ngắn, có thể xìu ngay trước khi xuất tinh.  

Khi có những biểu hiện này thì nam giới cần tới ngay các cơ sở y tế để tiến hành các xét nghiệm sâu hơn theo chỉ dẫn của những chuyên gia lâm sàng.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán và đánh giá mức độ rối loạn cương dương, các chuyên gia lâm sàng sử dụng phương pháp tự đánh giá bằng Bộ câu hỏi chỉ số quốc tế chức năng cương dương (International Index of Erectile Function – IIEF), gồm 15 câu hỏi thuộc 5 lĩnh vực liên quan: chức năng cương của dương vật (6 câu), sự thõa mãn khi quan hệ tình dục (3 câu), độ cực khoái (2 câu), sự ham muốn tình dục (2 câu) và sự thoã mãn tình dục toàn diện (2 câu). Tiêu chuẩn đánh giá rối loạn cương dương như sau:

  • 51-60 điểm: không có rối loạn cương dương
  • 31-50 điểm: rối loạn cương dương mức độ nhẹ
  • 21-30 điểm: rối loạn cương dương mức độ trung bình
  • 6-20 điểm: rối loạn cương dương mức độ nặng

Xét nghiệm cận lâm sàng tìm hiểu nguyên nhân rối loạn cương dương:

Bên cạnh việc chẩn đoán rối loạn cương dương, cần tiến hành các xét nghiệm để tìm hiểu những yếu tố liên quan đến tình trạng rối loạn này như: bệnh lý đái tháo đường, tăng lipid máu, rối loạn nội tiết (cường prolactin, bệnh tuyến giáp,..) hay rối loạn chuyển hóa.

Siêu âm Doppler dương vật để đánh giá hệ mạch máu của dương vật.

Chụp động mạch dương vật.

Chụp hang vật giúp đánh giá vị trí rò rĩ tĩnh mạch và đo áp lực mạch máu nhằm xác định mức độ rò rĩ tĩnh mạch.  

4. Rối loạn cương dương có thể được điều trị bằng cách nào?

Việc điều trị rối loạn cương dương cần được lưu ý rằng dù xuất phát từ bất kỳ nguyên nhân nào, bệnh nhân cũng đều kèm theo một mặc cảm tâm lý hết sức nặng nề và việc xóa bỏ được những ám ảnh tâm lý đó là điều rất quan trọng. Quá trình điều trị cần được đơn giản hóa để phù hợp với tâm lý không muốn cho mọi người biết đến, ít sang chấn, không gây đau đớn, ít tác dụng phụ và có hiệu quả cho bệnh nhân. 

  • Liệu pháp tâm lý: Cần tạo được sự tin tưởng và xóa bỏ được những mặc cảm bất lực của người bệnh là việc nên làm đầu tiên.
  • Y học cổ truyền: Từ thời xa xưa việc sử dụng các loại thảo dược để chế biến thành thuốc không phải điều xa lạ, chẳng hạn như: sử dụng nhân sâm, ba kích,.. kết hợp xoa kích thích dương vật là một trong những phương pháp điều trị truyền thống dựa theo y học cổ truyền.
  • Điều trị nội khoa:

Thường sử dụng thuốc ức chế phosphodiesterase đường uống. Các thuốc này điều khiển sự giãn cơ trơn, làm tăng lượng máu vào dương vật, giúp bệnh nhân có thể cương cứng. Trong các thử nghiệm lâm sàng so sánh, các thuốc này cho thấy hiệu quả từ 60 – 75% trường hợp mắc rối loạn cương dương.

Ngoài ra trong các trường hợp rối lọan cương dương do thiếu hụt testosterone như suy sinh dục hay mãn dục, có thể sử dụng nội tiết tố testosterone để điều trị. Việc này giúp cải thiện tốt về khả năng cương dương, tăng ham muốn và tăng khả năng tình dục.

  • Can thiệp thủ thuật

Tiêm trực tiếp vào vật hang bằng các thuốc giãn mạch. Phương pháp được chỉ định trong những trường hợp rối loạn cương dương do nguyên nhân thần kinh và tâm thần, bệnh nhân không có hiệu quả đối với thuốc PDE5 và không chỉ định dùng cho người bị suy tim và một số bệnh tim mạch 

Hạn chế của phương pháp là cảm giác đau tại chỗ tiêm làm giảm sự hưng phấn, cương đau dương vật kéo dài, xơ cứng vật hang, chảy máu và trở ngại lớn nhất đó là khi tiêm thuốc tại cơ sở y tế, bệnh nhận cần tiến hành giao hợp vào thời điểm sau khi tiêm thuốc 10 phút, hoặc trong khoảng thời gian thuốc có tác dụng là 60 -70 phút. 

  • Điều trị phẫu thuật: Nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, có thể xem xét chỉ định phẫu thuật. 

+ Phương pháp phẫu thuật nối thông động mạch. Chỉ định khi các động mạch cấp máu cho dương vật bị tổn thương làm hạn chế sự tưới máu vào dương vật, dương vật không thể cương cứng được. Hình thức này gồm 2 loại phẫu thuật: hồi phục tuần hoàn động mạch chủ bụng và hồi phục tuần hoàn động mạch dương vật.

+ Phương pháp phẫu thuật phong bế hệ thống tĩnh mạch: được chỉ định trong trường hợp có rò rĩ hoặc có nhiều tĩnh mạch ở vật hang làm cho máu tưới vào dương vật chưa đủ áp lực gây cương dương đã bị thoát nhanh về tĩnh mạch.

Phương pháp phẫu thuật cấy ghép vật hang giả: phẫu thuật này cho phép đặt vào hai bên vật hang một ống chất dẻo cứng bằng silicon, có chiều dài phù hợp với từng người, làm cho dương vật luôn luôn trong trạng thái cứng có thể giao hợp bất cứ lúc nào.

5. Làm thế nào để phòng ngừa rối loạn cương dương?

Trong trường hợp rối loạn cương dương không xuất phát từ những bất thường bẩm sinh về đường sinh dục, nam giới hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả chứng rối loạn cương dương bằng một số phương thức đơn giản sau:

  • Giữ đời sống tinh thần và thể chất lành mạnh: tránh căng thẳng, không thức khuya, không hút thuốc, không uống nhiều rượu bia.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên bắt đầu bằng việc đi bộ. Theo một nghiên cứu của Harvard, chỉ 30 phút đi bộ mỗi ngày có thể làm giảm 41% nguy cơ mắc rối loạn cương dương. Ngoài ra, theo một nghiên cứu gần đây (2019), việc luyện tập cơ sàn chậu cũng cho thấy hiệu quả trong quá trình điều trị rối loạn cương dương [2]
  • Có chế độ ăn uống hợp lý: trong một nghiên cứu về lão hóa nam giới ở Massachusetts, ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc, cá, hạn chế thịt đỏ làm giảm khả năng mắc rối loạn cương dương.
  • Phòng ngừa các bệnh tim mạch, tiểu đường, xơ vữa mạch máu sẽ hạn chế nguy cơ rối loạn cương dương.

Tóm lại, khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc rối loạn cương dương, nam giới cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để tìm hiểu nguyên nhân và những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh lý, qua đó giúp cải thiện đời sống hôn nhân và đời sống sinh hoạt tình dục của mình và bạn tình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. McKinley JB. The worldwide prevalence and epidemiology of erectile dysfunction. Int J Impot Res 2000;12:S6–S11.

2. Myers C, Smith M. Pelvic floor muscle training improves erectile dysfunction and premature ejaculation: a systematic review. Physiotherapy. 2019;105(2):235-243.


CÁC THÔNG TIN CÙNG CHỦ ĐỀ





TRUNG TÂM NỘI TIẾT SINH SẢN VÀ VÔ SINH

Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế
41 Nguyễn Huệ, TP Huế, Việt nam
0234.626.9696
0989.228.779
yhocsinhsan.hue@gmail.com

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI